Bà H.T.L. (66 tuổi, ngụ tại quận 12, TP HCM) được gia đình đưa cấp cứu vào Bệnh viện Chợ Rẫy vì tức ngực, ho nhiều, miệng lở loét, hai chân bị yếu liệt. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bà L. bị nhiễm độc chất arsenic. Dù được cứu chữa tích cực nhưng bà không qua khỏi vì suy tim cấp. Được biết, bà L. bị suy dãn tĩnh mạch chi dưới, nghe đồn An cung ngưu hoàng “như thần dược” nên uống liên tiếp bốn viên trong bốn tuần. Hai tuần sau khi uống thuốc, bà L. cảm thấy dấu hiệu bất thường nhưng vẫn tiếp tục sử dụng hết hai viên còn lại.
|
Nhiễm độc thuốc Đông y xảy ra là do thuốc chứa thành phần mang tính độc. Ảnh minh họa. |
Lời bàn: Thuốc Đông y bắt nguồn từ ba loại là thực vật, động vật, khoáng chất. Những thành phần của thuốc Đông y chứa kim loại nặng có thể kể đến chu sa (chứa thủy ngân), hùng hoàng (chứa thạch tín), hoặc trong thuốc cam có hàm lượng chì rất cao. Nhiễm độc thuốc Đông y xảy ra là do thuốc chứa thành phần mang tính độc, nhưng lại được làm bằng tay nên nồng độ trong thuốc không đồng đều.
Bên cạnh đó, người dân dùng thuốc Đông y tùy tiện vì nghĩ thuốc có nguồn gốc thiên nhiên nên lành tính. Sử dụng thuốc lâu dài, thiếu sự điều chỉnh, giám sát của thầy thuốc chính là nguyên nhân khiến cơ thể bị nhiễm độc.
Nhiễm độc thuốc Đông y còn tùy thuộc cơ địa của từng người. Uống cùng liều lượng trong cùng thời gian, nhưng nhiều người vẫn “bình an vô sự”, trong khi đó người khác lại có biểu hiện bất thường. Thuốc Tây y hay Đông y, khi điều trị bệnh vẫn phải được bác sĩ theo dõi, giám sát để điều chỉnh kịp thời.
BS Doãn Uyên Vy (Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM)