Tử vong vì ăn côn trùng để “nâng cao sức khỏe”

Google News

Những năm gần đây, nhiều người dân tìm đến "mốt" ăn côn trùng vì nghĩ chúng là thực phẩm sạch, bổ dưỡng. Nhưng đã có trường hợp phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Côn trùng dinh dưỡng nhưng cũng rất “độc”
Mới đây, thông tin về hai trường hợp tử vong do ăn côn trùng, bọ rầy một lần nữa cảnh báo tình trạng ngộ độc do sử dụng côn trùng lạ. Theo đó, ông Phạm Phú N, 46 tuổi, ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cùng với hai người khác đã ăn bọ rầy chiên (rán). Sau khi ăn, cả 3 người liên tục nôn ra máu, được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước cấp cứu. Do ngộ độc quá nặng một người đã tử vong, ông N được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam điều trị trong tình trạng nguy kịch, thận tổn thương, mạch yếu và cũng không qua khỏi. Bệnh nhân còn lại đang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện.
Tu vong vi an con trung de “nang cao suc khoe”
Nạn nhân N đã tử vong vì ăn bọ rầy. Ảnh: T.L 
Trước đó, trên toàn quốc đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc do ăn ấu trùng lạ, côn trùng. Năm 2014, vụ ngộ độc do ăn bọ xít đen chiên mỡ đã xảy ra ở huyện Than Uyên (Lai Châu) khiến 38 người phải nhập viện, trong đó có một người tử vong. Hay vụ 5 người dân xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) ngộ độc nặng do uống rượu với món "khoái khẩu" là nhộng ve sầu…
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, GS.TSKH Vũ Quang Côn – Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng, bọ rầy rang là một món ăn lạ và ông chưa từng nghe thấy bao giờ.
Côn trùng được coi là thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Như nhộng, châu chấu, bọ xít đã được người dân sử dụng nhiều trong bữa ăn. Và nó cũng là thực phẩm quý, có thể giúp tăng cường sức khỏe con người. Tuy nhiên, không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, cần biết những loài côn trùng ăn được theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Hiện nay người dân khi chế biến các loài côn trùng thường chỉ dựa vào kinh nghiệm, mà không hề biết làm thế nào để loại bỏ nọc độc của một số loại như bọ cạp, ong, nhện... Nên khi ăn vào có thể gây dị ứng mẩn ngứa, sưng tấy toàn thân, ngộ độc cấp tính, thậm chí là gây tử vong.
Hơn nữa, việc nhận biết những loài côn trùng có thể gây độc là không dễ dàng vì có tới hàng triệu loài. Điều đó dẫn tới trường hợp ăn nhầm những côn trùng độc, dù chế biến ở nhiệt độ cao như rang, nướng lên rồi chất độc cũng không phân hủy hết. Chẳng hạn, với hình thái có đặc điểm giống bọ xít, nhiều người đã nhầm với sâu ban miêu (hay còn gọi con bọ thầy cúng) sử dụng làm thực phẩm. Sâu ban miêu phân bố rộng khắp như đồng ruộng, rừng núi với hàng chục loài khác nhau. Loại côn trùng này nằm trong nhóm cực độc, các chất độc này nếu con người tiếp xúc phải nhẹ thì gây rộp da, bỏng, nặng thì có thể tử vong.
Nếu để ý quan sát, mọi người có thể phân biệt được sâu ban miêu và bọ xít. Bọ xít có tam giác ở lưng và có vòi, còn sâu ban miêu không có; thân sâu ban miêu màu đen, đầu màu đỏ.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khiến khác nhiều trường hợp ăn côn trùng bị ngộ độc. Đó là do côn trùng chết tiết ra độc tố, côn trùng nhiễm nấm độc hoặc côn trùng chứa nhựa cây độc không dễ phân hủy khi chế biến ở nhiệt độ cao. Thậm chí côn trùng chứa protein lạ cũng gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm… Trong cơ thể nhiều loại côn trùng còn có thể bị nhiễm loại nấm độc hay vi khuẩn ký sinh. Nếu ăn phải côn trùng bị nhiễm nấm độc có thể dị ứng, ngộ độc.
Cách xử lý nhanh khi ăn côn trùng ngộ độc
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi bị ngộ độc, người bệnh nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn hoặc có thể uống nước để tự gây nôn. Trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê cần để bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải. Trường hợp khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện của bệnh nhân. Sau khi sơ cứu xong cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cấp cứu tại các trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.
Để tránh bị ngộ độc khi ăn côn trùng, cần nắm rõ những khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Tuyệt đối không sử dụng, không "thử nghiệm" các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, loại đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ để chế biến thành thức ăn. Chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, côn trùng phổ biến còn tươi sống để chế biến thành thức ăn.
Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng trước khi ăn côn trùng, bảo đảm an toàn bằng cách ngâm, thả côn trùng vào nước muối, nước vôi… để côn trùng thải hết chất độc. Cần chế biến kỹ, tuyệt đối không ăn tái, ăn sống hoặc nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế, vệ sinh… Trường hợp sau khi ăn côn trùng mà có biểu hiện khác thường như mệt mỏi, buồn nôn, mẩn ngứa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
“Côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy những người cơ địa dị ứng dễ bị ngộ độc hơn. Bởi vậy, nếu hay bị dị ứng với thức ăn thì bạn cần cân nhắc khi dùng thử các món côn trùng lạ. Biểu hiện của dị ứng thức ăn sau khi ăn là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, khó thở…

Để tránh bị ngộ độc khi ăn côn trùng, cần nắm rõ những khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm: Tuyệt đối không sử dụng, không "thử nghiệm" các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, loại đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ để chế biến thành thức ăn. Chỉ nên lựa chọn những loại nhộng, côn trùng phổ biến còn tươi sống để chế biến thành thức ăn”.

 GS.TSKH Vũ Quang Côn

Theo GĐ&XH