Trừ những trường hợp bất khả kháng nhất định phải đến bệnh viện, còn với các bệnh thông thường chúng ta có thể xử trí tại nhà bằng các loại thuốc cơ bản có sẵn trong tủ thuốc gia đình, cùng sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Bạn có thể tự trang bị cho tủ thuốc nhà mình một số loại thuốc cơ bản trong thời gian giãn cách xã hội. Liều dùng tùy thuộc vào triệu chứng và đối tượng sử dụng, vì vậy vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Theo BS CKII Nguyễn Minh TIến, những thuốc thông thường cần có trong tủ thuốc gia đình gồm:
Thuốc giảm đau và hạ sốt
Nên chuẩn bị sẵn một ít thuốc paracetamol 500mg, 325mg để giúp giảm đau và hạ sốt. Đối với trẻ em, bạn có thể mua và dự trữ sẵn paracetamol hàm lượng 80mg, 150mg và 250mg dạng gói hoặc đặt hậu môn; riêng thuốc đặt hậu môn tốt nhất nên được bảo quản trong tủ lạnh (ngăn đá). Liều dùng 10 - 15mg/kg/lần 3 - 4 lần/ngày. Dạng 80mg dùng cho trẻ từ 4 - 6kg, tức là trẻ từ 1 - 5 tháng tuổi. Dạng 150mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7 - 12kg, tức là từ 6 tháng đến 1 tuổi. Dạng 250mg dùng cho trẻ từ 13 - 24kg, tức là trẻ từ 2 - 9 tuổi. Khi sử dụng thuốc hạ sốt, các lần dùng nên cách nhau khoảng 4 - 6 giờ (nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc).
Thuốc đau đầu, cảm cúm
Đau đầu, đau nửa đầu là chứng bệnh phổ biến, được gặp ở tất cả các đối tượng. Có thể sử dụng các loại thuốc có thành phần giảm đau như Acetaminophen, aspirin, panadol extra,... Với những trường hợp đau đầu, đau nửa đầu kéo dài cần đến gặp bác sĩ thăm khám và điều trị.
Cảm, cảm cúm cũng là căn bệnh dễ gặp do thời tiết. Cảm cúm rất dễ lây nhiễm sang trẻ bởi trẻ nhỏ có sức đề kháng tương đối yếu so với người lớn.
Trong tủ thuốc gia đình cần có một số loại thuốc trị cảm cúm thông thường như Tiffy, Pamin, Ameflu,..
Thuốc ho:
Thường chọn loại thảo dược như sirop Astex, Pectol E,… là loại an toàn cho trẻ em. Ngoài ra, có một số thuốc chuyên biệt như thuốc giãn phế quản dạng bình xịt ventolin dành cho trẻ em hay người lớn trong gia đình bị hen suyễn khi bị lên cơn, hay thuốc tim mạch hạ áp, giãn tĩnh mạch dạng ngậm dưới lưỡi, sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc tiêu hóa, đau bụng, ói, tiêu chảy, đầy hơi
Những loại thuốc tiêu hóa như: Motilum M có tác dụng điều trị chứng đầy hơi, khó tiêu; thuốc becberin, smecta có tác đụng điều trị đau bụng tiêu chảy, có thể sử dụng thêm Oresol để cung cấp thêm nước cho người bị mất nước do tiêu chảy. Cốm xitrina: dùng cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa ói mửa, đầy hơi.
Với những trường hợp bị táo bón có thể sử dụng Natufib, Optibac. Lưu ý với những gia đình có trẻ nhỏ cần tìm hiểu kỹ các loại thuốc tiêu hóa dành riêng cho trẻ (có thể ở dạng bột hay viên uống,...).
Hydrite hay Oresol là những thuốc bù nước điện giải khi bị bệnh tiêu chảy. Oresol 1 gói pha 1 lít nước chín nguội hay Hydrite 1 gói pha 200ml nước chín nguội, khuấy đều để bù nước cho trẻ.
Thuốc sát trùng
Trong tủ thuốc gia đình nên có 1 lọ povidine, hoặc xanh methylen (Milian) thuốc sát trùng thông dụng để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương. Cồn (Alcool) 700 hay 900 thường dùng để sát trùng tay trước khi thao tác. Dầu khuynh diệp có tính sát khuẩn giảm sưng dành cho những trường hợp bị côn trùng cắn đốt (muỗi đốt chẳng hạn) hay thoa lúc bị cảm lạnh. Vaseline, thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ hay thoa hậu môn bị nứt hoặc bôi làm trơn hậu môn trước khi đi tiêu ở trẻ bị táo bón.
Nước muối sinh lý: Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) được dùng để nhỏ mắt, mũi khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc đơn giản là làm sạch mắt và mũi của bé.
Bông, băng, gạc y tế: Nên có sẵn bông, băng dán cá nhân, băng gạc và băng dính để cầm máu, lau chùi và băng bó vết thương. Kéo và kẹp bằng inox để cắt và thao tác chăm sóc.
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị một ít cao dán salonpas để điều trị cơn đau bên ngoài, cứu trợ tạm thời đau nhức các cơ và khớp, đau lưng, viêm khớp, vết bầm tím và bong gân.
Nhiệt kế: Trong tủ thuốc cần có một nhiệt kế thủy ngân hay điện tử. Cần đưa bé đi khám nếu cơn sốt vượt trên mức 390C. Điều này có thể là dấu hiệu của một số bệnh nào khác.
Bộ đo huyết áp tự động: Nếu trong gia đình có người cao tuổi, bạn nên có sẵn máy đo huyết áp tự động.
Các loại thuốc riêng của từng thành viên: Được trữ theo tiền sử bệnh của người đó (thuốc hen, xoang, cao huyết áp, thuốc chữa đau bụng kinh…) cũng như các loại thuốc mà từng thành viên đang phải sử dụng theo toa - các loại thuốc này nhất thiết cần được để ở ngăn riêng, trong hộp có dán tên thành viên đó.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Một số lưu ý
Khi sử dụng thuốc, mọi người cần đọc kỹ tờ hướng dẫn của nhà sản xuất để biết được người bệnh có chống chỉ định (không được sử dụng) với bất cứ thành phần nào hay không hoặc chỉ định cụ thể về liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng thuốc. Có thể liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn thêm khi cần thiết.
Đối với trẻ em, nếu dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 1 ngày mà không thấy đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Do đó, không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ ra để cho trẻ uống. Luôn đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho trẻ sử dụng thuốc.
Tủ thuốc nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng rọi trực tiếp và tránh xa được tầm với của trẻ nhỏ.
Thường xuyên tiến hành rà soát tủ thuốc để loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua vì trên đó bạn có thể biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản.
Dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quỵ… Dán danh sách các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ gia đình để có thể gọi hỏi thông tin khi cần.
An Lê