Cách đây vài ngày, một bé trai 3 tuổi ở Trung Quốc bị chảy máu cam. Theo hướng dẫn của cha mẹ, bé ngẩng đầu lên để máu không chảy ra nữa. Thế nhưng vì lượng máu cam quá nhiều, khi ngẩng lên thì máu chảy xuống họng rồi đông lại, làm tắc khí quản.
Khi được đưa đến bệnh viện thì bé trai mặt mũi đã tái xanh, rơi vào hôn mê, dù các bác sĩ có hết lòng cứu chữa thế nào cũng không kịp, cậu bé trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, khiến cha mẹ đau lòng khôn xiết, vô cùng hối hận. Cứ tưởng chảy máu cam là chuyện nhỏ nhặt, không ai nghĩ rằng con trai lại chết vì nó.
|
Ảnh minh họa. |
Vậy, nên làm gì khi trẻ chảy máu cam, bác sĩ đã chỉ ra nguyên nhân rất nhiều bậc phụ huynh mắc phải khi con chảy máu cam, đó là bảo con ngẩng lên để máu không chảy ra nữa. Thực tế, khi ngẩng đầu lên, máu máu cam sẽ chảy xuống hầu, thực quản, dạ dày gây cảm giác khó chịu, buồn nôn, nôn ra máu.
Khi lượng máu chảy ra nhiều, dễ bị sặc vào khí quản, phổi, gây viêm phổi hít, thậm chí ngạt thở, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Sai lầm tiếp theo là nhét giấy vào lỗ mũi. Giấy dù mềm đến đâu vẫn có sợi giấy, dễ cọ xát làm tổn thương niêm mạc mũi, phá hủy một số mao mạch mỏng manh, làm tình trạng chảy máu trầm trọng hơn.
Hơn nữa, nếu lỗ mũi bị tắc nghẽn, máu cam ban đầu có thể chảy ngược vào thực quản và thậm chí là khí quản. Nếu là giấy vệ sinh không đạt chất lượng cũng rất dễ gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, nếu dùng giấy để bịt lỗ mũi, độ sâu của nút bịt và mức độ nén không đủ sẽ không đóng vai trò đáng kể trong việc cầm máu.
Vậy cách sơ cứu đúng khi chảy máu cam là gì? Để trẻ ngồi thẳng, đầu hơi ngả về phía trước, nhằm tránh máu chảy xuống họng gây nôn. Bóp chặt cánh mũi và thực hiện thở bằng miệng khoảng 10 - 15 phút đến khi máu chảy chậm hoặc ngừng chảy. Có thể sử dụng bông y tế để nút chặn.
Sau 10 - 15 phút vẫn thấy máu chảy thì nên đến cơ sở y tế để được giúp đỡ.
Kiều Dụ (Theo SH)