Từ những vụ bạo hành cặp đôi: Hạnh phúc không phải là chịu đựng

Google News

Đâm chết bạn gái vì bị chia tay, sát hại người yêu vì níu kéo tình cảm bất thành, đánh đập vợ cũ tàn nhẫn vì xảy ra mâu thuẫn… - thực tế cho thấy nạn nhân của bạo lực cặp đôi đa phần là phụ nữ. 

Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), xung quanh vấn đề đang gây bức xúc này. 
+ Nạn nhân của bạo lực cặp đôi có thể là phụ nữ, nam giới nhưng vì sao phụ nữ luôn chiếm tỉ lệ cao hơn? Tại sao phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực ngay từ khi hẹn hò? 
Bà Nguyễn Vân Anh: Phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực cặp đôi hay các hình thức bạo lực khác vì khuôn mẫu giới trên thế giới nói chung vẫn nghiêng về quyền lực cho nam giới. Ở Việt Nam, điều đó còn nặng hơn. Người đàn ông coi phụ nữ như tài sản của mình, tự cho mình có quyền sử dụng, điều khiển tài sản đó. Do vậy, họ dễ dàng cư xử bạo lực với phụ nữ.
Bản thân không ít người phụ nữ cũng chấp nhận khuôn mẫu rằng mình là phụ nữ thì phải chịu đựng, phải chăm ngoan, phải làm tròn mọi trách phận, nếu không mình là người có lỗi.
Trong quá trình làm hotline, tôi thấy có một thực tế nhiều sinh viên chung sống với nhau. Các cặp đôi này cũng gặp nhiều vấn đề của bạo lực cặp đôi. Vẫn tồn tại khuôn mẫu người làm việc nhà, người tất bật với mọi lo toan của cuộc sống chung là cô gái. Thậm chí, đàn ông đòi hỏi người yêu ăn mặc theo cách mình muốn, nếu không đúng thì tỏ thái độ, đòi quan hệ tình dục, nếu không cho thì bạo lực... Những cặp đôi ấy nếu đi tiếp vào đời sống vợ chồng thì sẽ bạo lực trầm trọng.
Có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên. Một nữ sinh viên học nghệ thuật, chơi piano ở các quán ăn, phòng trà kiếm tiền nuôi cả người yêu. Người yêu cô ấy không làm gì, trông vào sự chu cấp của cô ấy. Một ngày, cô ấy thấy sự khác nhau nhiều quá, không dung hòa được nên quyết định chia tay. Người yêu không đồng ý, dùng dao rạch 7 nhát trên mặt cô ấy. Nhưng cô sinh viên ấy đã không dám nói lời chia tay khi bị người yêu thao túng, lại tiếp tục phục vụ và đi kiếm tiền về nuôi người yêu của mình.
+ Vậy có cách nào để người phụ nữ dám đối mặt với bạo lực và biết cách phòng tránh bạo lực, thưa bà?
Việc này cần có giải pháp tổng thể. Trước tiên là việc thay đổi nhận thức của chính người trong cuộc. Phụ nữ cần biết tôn trọng bản thân mình, ý thức rõ về quyền của mình, về việc không ai có quyền xúc phạm mình, nhất là ý thức nam giới và phụ nữ bình đẳng. Không có hạnh nào được xây dựng trên sự mất cân bằng quyền lực, người này phục vụ người kia. Nếu gia đình, cặp đôi nào có điều đó mà vẫn ấm êm thì đã có một người chịu đựng, không được sống là chính mình.
Tu nhung vu bao hanh cap doi: Hanh phuc khong phai la chiu dung
Ảnh minh hoạ 
Tôi nghĩ, các lớp học Tiền hôn nhân rất quan trọng để các bạn nam nữ trẻ biết mình cần gì khi bước vào cuộc sống hôn nhân, các bạn nữ biết cách ứng phó thế nào khi chồng có hành động, ứng xử bạo lực với mình.
+ Những người đàn ông khi bạo lực người yêu của mình đều biết đó là hành động sai nhưng họ vẫn làm. Có cách nào để truyền thông, tác động hiệu quả làm thay đổi nhận thức và hành vi của những người đàn ông này?
Chúng ta có nhiều khóa học dành cho phụ nữ, có nhiều chỉ dẫn, tư vấn, yêu cầu người phụ nữ cần làm thế này, phải làm thế khác... mà hầu như không có các khóa học, đòi hỏi tương tự dành cho người đàn ông. Theo tôi, cần tăng cường các chương trình, hoạt động, khóa học dành cho nam giới từ bé đến lớn để học cách ứng xử, hành động đúng với phụ nữ, hiểu rõ về bình đẳng giới.
+ Điều gì có thể khiến cho những người đàn ông phải chần chừ khi ra tay bạo lực người yêu của mình?
Đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó ý thức về quyền và cách ứng phó của người phụ nữ đối với các hành vi bạo lực, không cho phép hành vi bạo lực đối với mình là rất quan trọng. Sự nghiêm minh của pháp luật, việc cương quyết không chấp nhận của dư luận xã hội đối với những hành vi đó sẽ cùng tác động đến người đàn ông, khiến họ phải suy nghĩ khi ra tay bạo hành người yêu của mình.
+ Luật pháp có thể bảo vệ cho các nạn nhân bị bạo lực khi yêu như thế nào?
Luật pháp đã có những quy định xử lý hành chính hoặc khởi tố các trường hợp bạo lực người khác, kể cả những người chưa kết hôn. Nhưng bản thân người trong cuộc phải ý thức không hành động bạo lực với người mình yêu hoặc biết tự bảo vệ mình khi người yêu có hành vi bạo lực.
+ Xin cám ơn bà!
Cách đây không lâu, Y.Change - một nhóm bạn trẻ hoạt động về giới tại Hà Nội đã có những nghiên cứu về khái niệm bạo lực hẹn hò (BLHH) ở Việt Nam. Theo đó, BLHH là khi một bên thể hiện quyền lực và sự kiểm soát đối với bên kia bằng việc gây ra hoặc đe dọa gây ra hành vi bạo lực trong một cặp đôi đang trong thời gian tìm hiểu và chưa kết hôn.
Hình thức của BLHH rất đa dạng: bạo lực thể chất (bóp cổ, đấm đá, tát, đạp, dùng vũ khí... gây thương tích), bạo lực tình dục, ngược đãi tâm lý cảm xúc hoặc lời nói (chửi mắng, gọi bạn tình bằng những từ ngữ miệt thị; đe dọa, cô lập họ khỏi gia đình, bè bạn; đổ lỗi cho đối phương về những việc ngoài ý muốn...), kiểm soát thông tin cá nhân trong các vật dụng công nghệ (smartphone, facebook, máy tính...) của bạn tình, can thiệp vào các khoản chi tiêu của đối phương, đeo bám sau khi chia tay...
Qua khảo sát thực tế với 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18-30, nhóm Y.Change đã đưa ra những con số khá bất ngờ: Gần 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, thậm chí, hơn 6% trong số đó từng muốn tự tử.
Theo Thảo Chi/PNVN