Việc cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn thuốc chữa ung thư từ than tre của Vinaca thời gian gần đây khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Điều đó cho thấy, thực tế thị trường dược phẩm trong nước đang tồn tại, lưu hành rất nhiều loại thuốc giả, dược phẩm lậu. Vấn đề khó nhất hiện nay là người dân không phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả cho đến khi bị phanh phui.
Rúng động hơn 9.000 hộp thuốc ung thư giả của VN Pharma
VN Pharma nhập hàng ngàn hộp thuốc chống ung thư giả gây chấn động dư luận nhiều năm qua và vẫn thường xuyên được nhắc lại khi xảy ra một vụ việc liên quan đến thuốc giả.
|
Cơ sở sản xuất đóng gói thuốc giả Vn Pharma. |
Theo đó, tối 19/9/2014, Cục An ninh chính trị nội bộ bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma), đồng thời khám xét tại kho chứa thuốc của Công ty CP VN Pharma, thu giữ 9.268 hộp H-Capital 500mg Caplet.
Kết quả điều tra của cơ quan an ninh cho biết, năm 2013, Nguyễn Minh Hùng thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty Hàng hải Quốc tế H&C) đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư.
Do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục quản lý dược yêu cầu Hùng, Cường giải trình rồi tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251.100 USD.
Đáng chú ý, kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Kết quả điều tra và ủy thác tư pháp cho thấy không có công ty nào đăng ký kinh doanh như giấy tờ của VN Pharma nộp cho Cục quản lý dược. Cơ quan điều tra nhận định hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ, Phó tổng giám đốc VN Pharma đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do công ty VN Pharma nhập khẩu. Tổng số tiền mà các bác sỹ đã nhận “hoa hồng” để bán thuốc giả cho bệnh nhân lên tới 7,5 tỷ đồng.
300.000 viên "thần dược" trị tiểu đường không rõ nguồn gốc
Sáng 9/3/2018, Thanh tra sở phối hợp với Phòng Y tế huyện, Công an huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) và các cơ quan chức năng có liên quan lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và phát hiện số lượng lớn đông dược trị tiểu đường không rõ nguồn gốc tại cơ sở nhà bà Lê Kim H. (52 tuổi, ngụ ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai).
|
Thần dược trị tiểu đường. |
Tại đây, đoàn đã phát hiện và tịch thu 312.600 viên thuốc đông dược thành phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thuốc đóng thành nhiều gói mang tên "Thuốc gia truyền trị tiểu đường Chánh Đức".
Cơ sở này đã hoạt động khoảng 2 năm nay. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã tạm giữ số thuốc trên cùng với 3 máy ép cầm tay, 1 máy ép bọc, màu thực phẩm và một số hóa đơn chuyển hàng đi các nơi như Khánh Hòa, Thanh Hóa, Tiền Giang, TP HCM.
Ngừng buôn bán, sử dung kháng sinh Zinnat 500mg giả
Mới đây, thông tin về kháng sinh Zinnat 500 mg giả được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cảnh báo cũng khiến dư luận hoang mang.
Cụ thể Trung tâm Y tế Hà Nội lấy lấy mẫu 60 viên thuốc Zinnat 500 mg bán tại tại Nhà thuốc An Huy, 53 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
|
Zinnat tablets 500mg là loại thuốc kháng sinh nhiễm khuẩn với thành phần chính là Cefuroxim axetil…500mg. |
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương với mẫu thuốc Zinnat 500mg Film Tablet lấy tại Hà Nội cho kết quả không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl – thành phần chính của thuốc.
Loại thuốc này trên nhãn in “Sefuroksim aksetil 20 film table”; số giấy phép 14209/QLD-KD ngày 30/3/2013; Parti no C763039. Sol kul. Ta 01-2019. Nhãn phụ ghi mạo danh nhà sản xuất là công ty Glaxo Operatione UK Ltd (Anh) và mạo danh cả DN nhập khẩu là công ty cổ phần Armephaco (Hà Nội).
Cục Quản lý dược xác định thuốc mang tên Zinnat 500mg nêu trên là thuốc giả.
Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc giả trên.
Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả nêu trên; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Zinnat 500mg thuộc nhóm kháng sinh thế hệ 2, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và được sử dụng rất phổ biến. Đây cũng là một trong những loại kháng sinh đắt tiền, với giá từ 24.000-27.000 đồng/viên.
Thu hồi thuốc kháng sinh Lincomycin 500 mg của Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa
Tháng 1/2018, Sở Y tế Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh và sử dụng thuốc, tiến hành thu hồi các sản phẩm thuốc giả, thuốc kém chất lượng vừa được công bố. Sản phẩm thuốc bị làm giả là Lincomycin 500 mg (thuốc kháng sinh) do Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa sản xuất.
Vỉ thuốc giả có rãnh dọc cắt hờ bao gồm từng đoạn không thẳng nhau; logo và ký hiệu GMP so le hai bên cột thuốc, rãnh dọc ở giữa; số lô và hạn dùng ở cuối vỉ.
Hai loại thuốc bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn là: Viên nang Virazom 20 mg điều trị bệnh về dạ dày do Công ty Zim Laboratories Ltd (Ấn Độ) sản xuất, được nhập khẩu bởi Công ty CP Dược phẩm Hà Tây; thuốc khớp Phong Dan (loại viên nang cứng) có số đăng ký: VD-12458-10, số lô: 225615, sản xuất ngày 3/7/2015, hạn dùng 2/7/2018.
Khởi tố vụ bán thuốc điều trị ung thư dán nhãn Vidatox giả
Tháng 10/2017, Công an TP Hà Nội phát hiện lô hàng gồm các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox bị làm giả.
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm vỏ hộp cùng các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox - một thương hiệu nổi tiếng của Cuba, được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp xanh, có tác dụng giảm đau, phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên theo phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội, toàn bộ lô hàng này đều là hàng giả. Dù có cùng tên gọi Vidatox thế nhưng có thể nhận thấy sự khác biệt về bao bì cũng như thời hạn sử dụng của hàng thật và hàng giả.
|
Thuốc Vidatox hỗ trợ điều trị ung thư giả. |
Được rao bán rầm rộ trên mạng Internet với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/hộp, thậm chí có cả thuốc Vidatox 30CH - một loại thuốc chưa hề được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh được người điều hành đường dây buôn bán hàng giả này là Nguyễn Công Doanh, thường trú tại Hoàng Mai - Hà Nội. Đối tượng này bị bắt ngay trên đường vận chuyển thuốc giả đi tiêu thụ. 10 hộp thuốc cất giấu trong cốp xe sau đó được kiểm nghiệm và xác định hoàn toàn không có thành phần điều trị ung thư như chủ hàng quảng cáo.
Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh về hành vi buôn bán hàng giả. Trong suốt hơn 2 năm hoạt động, đối tượng này đã trục lợi hàng trăm triệu đồng trên sức khỏe, tính mạng của những bệnh nhân ung thư.
Đến thuốc tẩy giun Fugacar cũng bị làm giả
Tháng 8/2017 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát hiện 2 lô thuốc tẩy giun Fugacar giả và khuyến cáo người dân không mua nhầm.
Theo Cục Quản lý dược, 2 lô thuốc Fugacar giả có số đăng ký VN-16500-13, số lô 514015 và 1614007, trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ.
|
Trên thị trường đã xuất hiện thuốc tẩy giun Fugacar giả. |
Mẫu thuốc Fugacar số lô 514015 do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, chức vụ Công an TP.HCM bắt giữ và yêu cầu xác minh. Lô thuốc còn lại được mua tại nhà thuốc Tân Phú 2, đường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng 2 lô thuốc giả nói trên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.
Đây là nỗ lực lần đầu tiên của WHO để đánh giá vấn đề này. Các chuyên gia đã duyệt xét 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh và thấy rằng trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.
Tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng là có. Hầu như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có quyết định đình chỉ, thu hồi sản phẩm thuốc kém chất lượng.
Cục Quản lý Dược cũng thừa nhận, những năm gần đây, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường nước ta đã giảm, song việc phát hiện thuốc giả không đơn giản. Thuốc giả được sản xuất ngày càng tinh vi. Hiện Cục đang cùng các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại VN.
Trang Anh