Nước là "nguồn sống của cơ thể", chỉ khi chúng ta nạp đủ lượng nước mỗi ngày thì cơ thể mới có thể vận hành trơn tru, dinh dưỡng và máu mới dễ dàng được vận chuyển tới các tế bào để các cơ quan hoạt động tốt hơn. Nhưng bạn có biết rằng: Không phải lúc nào uống nước cũng đem lại lợi ích như ta mong muốn.
Nếu muốn tìm hiểu cách uống nước làm sao để tốt nhất cho cơ thể, bạn rất nên tham khảo cách uống nước của người Nhật Bản.
Nhiều số liệu cho thấy, người dân Nhật Bản đang có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, ở quốc gia này cứ 5 người thì lại có 1 người trên 70 tuổi. Bộ Y tế nước này cũng cho biết, hiện đang có 69.785 người Nhật sống thọ hơn 100 tuổi, trong số đó hơn 88% là phụ nữ.
Thực ra, người Nhật không hề có đặc điểm cơ thể nào quá khác biệt so với người dân ở các quốc gia khác trên thế giới. Tuổi thọ của họ ngày càng cao là nhờ cơ sở y tế hiện đại, cùng các thói quen sống khoa học, văn minh.
Một trong những thói quen sống đáng học hỏi của người dân xứ xở hoa anh đào chính là uống nước. Ở Nhật, có 1 thời điểm người dân hạn chế uống nước và 1 thời điểm lại được khuyến khích uống đều đặn. Bạn có biết đó là khi nào không?
Người Nhật không bao giờ uống nước vào thời điểm này trong ngày
Người dân Nhật Bản hiểu rất rõ vai trò của nước với cơ thể, nhưng có một thời điểm họ hạn chế uống nước đó là: Trong bữa ăn.
Với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc vừa ăn vừa uống sẽ giúp cho vị giác tốt hơn, đỡ ngán hơn. Tuy nhiên, người Nhật hiếm khi sử dụng đồ uống khi đang ăn vì họ tin rằng điều này sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa.
Bởi trong khi ăn, nước bọt được tiết ra để phục vụ vào quá trình tiêu hóa thực phẩm, bôi trơn thức ăn giúp dạ dày hoạt động dễ dàng hơn. Việc uống nước vào lúc này sẽ khiến cho nồng độ nước bọt của chúng ta bị giảm, đồng thời dịch vị cũng bị hòa loãng, điều này ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và sự hấp thụ năng lượng từ thực phẩm.
Hơn nữa, việc uống nước trong bữa ăn cũng sẽ làm tăng khối lượng công việc cho dạ dày, và từ đó làm trầm trọng thêm một số vấn đề ở dạ dày và làm tăng nguy cơ trào ngược axit.
Để hạn chế việc sử dụng nước trong bữa ăn, người Nhật có xu hướng ăn nhạt để giảm cảm giác bị khát. Đồng thời họ nhai kỹ thức ăn để miệng tiết ra nhiều nước bọt hơn, giảm nhu cầu uống nước. Nếu cảm thấy khát, họ thường bổ sung nước bằng rau củ, súp miso...
Có thể thấy rằng sự kiêng kỵ trong việc uống nước này đã giúp cho người Nhật tránh được không ít vấn đề cho hệ tiêu hóa. Có câu "Ruột khỏe sẽ sống thọ", khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì tuổi thọ cũng được tăng cường, như vậy đây là một bí quyết sống thọ rất hiệu quả của người Nhật mà chúng ta cũng có thể học hỏi.
Thời điểm vàng trong ngày mà trẻ em, người lớn Nhật bận mấy cũng phải uống nước
Buổi sáng khi vừa ngủ dậy, người Nhật không đánh răng ngay mà sẽ bắt đầu uống nước ấm.
Nhật Bản có nhiều thức uống nổi tiếng như trà xanh, giấm táo. Nhưng Y học cổ truyền Nhật lại coi nước ấm là thứ thức uống trị liệu đặc biệt, rất nên dùng mỗi buổi sáng. Uống một vài cốc nước ấm khi bụng rỗng có tác dụng làm sạch dạ dày và ruột, thải độc, giảm cân, tăng cường sự trao đổi chất, ngăn ngừa nếp nhăn trên da và đồng thời sống thọ hơn.
Chính vì thế sau khi ngủ dậy, người dân Nhật Bản sẽ uống 4 - 6 ly nước ấm (mỗi ly 160-200ml), ở mức nhiệt 35-40 độ, không quá nóng hay quá lạnh. Nếu không thể uống hết trong một lúc, họ sẽ nghỉ vài phút để dạ dày được nghỉ ngơi. Sau khi uống nước, người Nhật mới bắt đầu đánh răng. Sau đó nghỉ ngơi ít nhất 45 phút rồi mới ăn sáng.
Khi uống nước, người Nhật luôn uống từng ngụm nhỏ để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể sau một đêm dài chìm vào giấc ngủ.
Theo Đậu Đậu/Nhịp sống Việt