Trong lễ cưới, bố dượng nhấn mạnh 3 từ mà tôi bật khóc nức nở

Google News

Bố dượng nắm tay tôi tiến đến lễ đường, trịnh trọng, cẩn thận đặt tay tôi vào tay chú rể và đôi mắt ông đỏ hoe.

Đến năm 18 tuổi, tôi mới biết mình chỉ là con riêng của mẹ. Ngày sinh nhật, mẹ kể cho tôi nghe về cuộc đời bà và sự ra đời của tôi; về tấm lòng bao dung của người đàn ông tôi vẫn gọi là bố suốt 18 năm qua. Trước đây, khi mẹ có bầu với một người đàn ông khác nhưng bị ông ta ruồng bỏ, mẹ đã từng có ý định tự sát. May mắn là có bố tôi ở bên cạnh. Ông là hàng xóm thân thiết của mẹ, yêu thầm mẹ từ lâu rồi nhưng không dám ngỏ lời vì thấy mẹ đã có người yêu. Biết mẹ bị bỏ rơi, ông đã dang rộng vòng tay che chở, cưới bà làm vợ, nhận làm bố của tôi.
Trong le cuoi, bo duong nhan manh 3 tu ma toi bat khoc nuc no
Lẽ ra, bố mẹ sẽ không tiết lộ cho tôi biết chuyện này nhưng họ suy nghĩ mãi và quyết định nói ra để sau này, tôi có muốn tìm cha ruột thì tìm. Tôi sốc lắm, không thể nào chấp nhận được sự thật oái oăm rằng người luôn yêu thương, chăm sóc mình suốt 18 năm qua lại chỉ là bố dượng. Nhưng tôi càng trân trọng và biết ơn ông nhiều hơn bởi nếu không có ông, mẹ con tôi có lẽ cũng chẳng còn trên cõi đời này. Tôi cũng quyết định sẽ không tìm lại bố ruột, người đàn ông tệ bạc đã ruồng rẫy 2 mẹ con. Cứ thế, gia đình tôi vẫn sống hạnh phúc và tôi vẫn xem bố dượng là bố ruột.
Chuyện sẽ không có gì đáng kể nếu như bố ruột của tôi không chủ động xuất hiện, tìm đến tận nhà để nhận tôi. Tôi không đồng ý gọi ông ấy là bố thì ông ấy khóc, thừa nhận lỗi lầm năm xưa và mong tôi tha thứ cho ông. Tôi vẫn kiên quyết không chấp nhận ông nhưng bố mẹ lại khuyên tôi nên tha thứ, bao dung vì tuổi trẻ, ai cũng có sai lầm.
Tuần trước là đám cưới của tôi. Trên thiệp mời cưới, tôi vẫn ghi tên bố dượng ở vị trí "cha". Và ông cũng là người nắm tay tôi, dắt tôi tiến lên lễ đường; vừa trịnh trọng vừa cẩn thận đặt tay tôi vào tay chú rể và đôi mắt ông đỏ hoe. Ông nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại 3 từ thôi mà khiến tôi bật khóc nức nở: "Phải hạnh phúc, nhất định con gái bố phải hạnh phúc". Với bố, tôi hạnh phúc thì ông cũng hạnh phúc. Nỗi niềm, sự lo lắng của bố, tôi đều có thể cảm nhận được và càng thương ông hơn.
Còn người bố ruột của tôi vẫn đang ngồi dưới ghế dành cho khách mời. Nhưng tôi thấy, bố dượng xứng đáng với điều này hơn, tôi vẫn sẽ trân trọng và yêu thương ông như cha ruột. Còn người bố đẻ kia, tôi không biết nên đối xử với ông như thế nào đây?
Theo Mỹ Hạnh/Phụ nữ Việt Nam