Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp. Người lành bị nhiễm khi tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm virus cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Bệnh xảy ra ở tất cả lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80, tuy nhiên, dịch tập trung ở lứa tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi.
|
Hình ảnh mô phỏng virus cúm A/H5N1. Ảnh: trungtamytequangyen.vn. |
Chia sẻ trên báo Người Lao Động, bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa, song mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng virus.
Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Dịch cúm B diễn biến bất thường hơn mọi năm.
P.V (Tổng hợp)