|
Ảnh minh họa. |
Trong y học cổ truyền, kho tàng kinh nghiệm dân gian chữa trị các tình trạng ngộ độc thức ăn là hết sức phong phú. Tùy theo loại thức ăn bị ngộ độc có thể lựa chọn các kinh nghiệm sau đây.
Trước hết, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, nhất là mới bị sau bữa ăn 1 - 2 giờ bằng các biện pháp gồm: Lấy muối ăn 1 thìa canh (25g) sao qua, pha vào một bát nước sôi cho uống 3 lần, mỗi lần cách nhau chừng 10 phút hoặc dùng lông gà (rửa sạch bằng nước muối). Hướng dẫn bệnh nhân há miệng đưa vào gần cuống họng sẽ nôn ngay hoặc dùng ngón tay ngoáy họng cũng có hiệu quả. Sau đó, cho uống nước trà đường nóng để bù nước, cầm đi lỏng, phân giải hòa loãng chất độc.
Có thể dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt... sao vàng sắc đặc cho uống. Nếu biết bệnh nhân ngộ độc thức ăn gì thì có thể dùng các vị thuốc, bài thuốc gồm: Ăn thịt không tiêu dùng sơn tra 12g sắc uống. Ăn chất bột không tiêu dùng mạch nha 12g, thần khúc 12g sắc uống. Ăn rau sống và hoa quả không tiêu dùng can khương 10g, thần khúc 10g sắc uống. Ăn tôm cá cua không tiêu dùng cành tía tô 12g, trần bì 10 sắc uống. Ăn cá không tiêu dùng rau diếp cá và lá tía tô mỗi thứ 50g sắc uống. Ăn cả cá và thịt không tiêu dùng tỏi 10g, phèn phi 10g, hai thứ giã nhỏ, pha nước sôi uống.
Do thịt lợn: Dùng hành củ 100g giã nát vắt lấy nước uống. Thịt dê: Dùng lá và hạt mướp đắng 100g sắc uống. Thịt trâu bò: Dùng tương ăn 100ml hòa với 20ml nước gừng tươi uống. Thịt gà: Dùng lá chanh 100g sắc uống. Thịt chó: Dùng lá và củ giềng sao, rau má, mỗi thứ 30g sắc uống. Ngộ độc cá, tôm, sò...: Dùng lá tía tô tươi 50g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống trong ngày. Ngộ độc cá nóc: Dùng ngọn khoai lang 50 - 60g, muối ăn 6g, hai thứ đem giã lẫn, vắt lấy 1 bát nước uống trong ngày.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)