Trẻ tử vong vì sốt xuất huyết
Ngày 3/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk) cho biết, vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết tại huyện Krông Pắk.
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, vào ngày 29/8, cháu H.N.N (nữ, sinh năm 2010, trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) có biểu hiện sốt cao liên tục. Ngày 30/8, người nhà đưa trẻ đi khám tại phòng khám tư được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, đã xử trí dịch truyền và thuốc hạ sốt.
Đến ngày 31/8, người nhà đưa trẻ nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk với chẩn đoán sốc; suy tuần hoàn hô hấp; sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4. Ngày 1/9, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán suy hô hấp độ 4, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng giữa ngày 4.
Bệnh nhi tử vong lúc 2 giờ sáng 2/9 với chẩn đoán: Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng đầu ngày 5, có suy đa tạng nặng, tổn thương đa cơ quan không hồi phục.
Được biết, đây là trường hợp thứ ba tử vong vì bệnh này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính từ đầu năm 2023 đến nay.
Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
|
Ảnh minh họa: Times Of India. |
Ngoài mất thị lực, biến chứng sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong vì gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn đến sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau...
Khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng dưới đây, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm:
- Đau bụng dữ dội
- Nôn liên tục
- Chảy máu lợi, chân răng
- Nôn ra máu
- Thở nhanh
- Mệt mỏi, bồn chồn
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn gì?
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao nên cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao sẽ làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ.
Theo đó, người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây để bổ sung chất điện giải, vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch.
Ngoài ra, trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá, sữa… Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, kẽm có trong thịt bò, gà để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường khó ăn, ăn không cảm thấy ngon. Vì vậy, các món ăn nên nấu dưới dạng lỏng và mềm để dễ ăn và dễ hấp thụ hơn. Đồng thời, nên ăn ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày, các bữa phụ có thể uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.
Lưu ý, người bệnh cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu, đồng thời hạn chế sử dụng các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết lợn, bò, gà, củ dền...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Singapore mở trại nuôi muỗi chống sốt xuất huyết
P.V (Tổng hợp)