Trẻ bị bạo hành thường xuyên dễ gặp phải chấn thương nguy hiểm
Vụ việc rúng động liên quan đến clip giúp việc bạo hành trẻ em ở Phan Thiết khiến nhiều bậc cha mẹ bày tỏ sự lo lắng sợ hãi những ảnh hưởng của việc bạo hành trẻ em tới sức khỏe, thể chất và cả tâm lý của các bé.
Vậy những nguy cơ mà các bé có thể gặp phải khi bị bạo hành lớn tới mức nào? Theo các chuyên gia, việc trẻ bị bạo hành có thể bị những tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất. Nghiêm trọng hơn, trẻ bị bạo hành cũng dễ bị chấn thương tâm lý, tự kỷ, thậm chí mắc phải những vấn đề tâm thần.
|
Bé 8 tháng tuổi bị bạo hành. |
Những đứa trẻ bị bạo hành, đánh đập hay có những hành động dốc ngược xuống đất và lắc như việc xảy ra với em bé 8 tháng tuổi ở Phan Thiết có thể bị chấn thương thể chất nghiêm trọng. Trẻ bị tát quá mạnh vào tai sẽ gây tổn thương mô mềm dưới da, với biểu hiện là bầm tím, sưng nề. Không chỉ vậy trẻ hoàn toàn có nguy cơ chấn động tai giữa làm ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Trường hợp trẻ bị bạo hành ở mức nguy hiểm như bóp cổ có thể ảnh hưởng đến sụn thanh quản, cản trở quá trình hô hấp, ảnh hưởng đến việc đưa oxy lên não. Bị bóp cổ mạnh quá ba phút, dù cấp cứu kịp thời trẻ vẫn bị di chứng bại não.
Ngoài ra, nếu vùng ngực của trẻ bị ngoại lực mạnh tác động có thể làm trẻ bị rạn xương sườn, chấn thương phổi. Nếu trẻ bị đạp thẳng, đạp mạnh vào bụng thì có thể bị tổn thương ruột hoặc lá lách, gan. Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.
Về mặt tâm lý, trẻ bị bạo hành sẽ bị ám ảnh một thời gian dài, thậm chí cả đời. Trẻ bị bạo hành có thể trở nên nhút nhát, đôi khi biểu hiện sợ ăn, có thể giảm sự thích nghi khi tới một nơi mới hoặc gặp người lạ. Theo các bác sĩ Nhi khoa, sau bạo hành, trẻ thường có biểu hiện sợ sệt, ngại tiếp xúc với người bạo hành trẻ và cả mọi người xung quanh, trở nên sống khép kín.
Bên cạnh đó, trẻ sau đó cũng thường có biểu hiện tâm lý không ổn định như giận hờn, nổi nóng vô cớ, khó kiểm soát cảm xúc, tình cảm của mình. Trẻ ngủ không ngon, rối loạn giấc ngủ, biểu hiện ngủ mơ, giật mình hoảng loạn khi ngủ. Nghiêm trọng hơn là “vết thương” do bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành có thể trở thành nước cục súc, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực.
Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, ở những trường hợp bị bạo hành khi còn nhỏ cho thấy hầu hết những đứa trẻ bị bạo hành thường xuyên luôn bị ám ảnh cả đời.
|
Nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện gây chấn động |
Nhiều người trong số đó trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội. Họ cũng có biểu hiện mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.
Nhiều người chấn thương tâm lý dẫn tới cũng có hành động hung hăng, bạo lực với mọi người, thậm chí có hành vi tự hại, luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng. Một số người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có hành vi lệch chuẩn về tình dục như khổ dâm, ác dâm…
Cách nhận biết và phòng tránh bé bị giúp việc bạo hành.
Theo Trung tâm tư vấn Tâm lý An Việt Sơn, để biết trẻ có bị giúp việc bạo hành, đánh đập bố mẹ nên quan sát kỹ xem con có những phản ứng dưới đây không?
1. Không hợp tác với người giúp việc trong nhiều hoạt động hoặc hợp tác với sự chống đối, cưỡng bức.
2. Khóc thét hoặc tự nhiên khóc thét khi ở riêng với người giúp việc: đang ngủ, đang tắm, đang học bài, đang chơi...
3. Nhắc đến người giúp việc là không thích, lảng đi hoặc tỏ thái độ không vui.
4. Khóc tức tưởi và lao ngay đến khi gặp lại cha mẹ. Trẻ chưa biết nói thì co rúm người lại, sợ sệt nép vào lòng cha mẹ, ánh mắt nhìn xuống hoặc không dám nhìn người giúp việc.
5. Phản kháng lại dữ dội như: đánh, cào, ném đồ chơi vào người giúp việc...
Ngay khi phát hiện ra một trong năm biểu hiện như trên, cha mẹ cần tiến hành ngay các giải pháp giúp con sớm thoát khỏi trạng thái tâm lý nặng nề đó tránh ảnh hưởng lâu dài.
Mời độc giả xem video clip bảo mẫu bạo hành trẻ dã man. Nguồn: Thanh Niên
Thu Nguyên