Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa bộ gen người, tổ chức tại Hong Kong tháng 11/2018 nhằm tranh luận về những ưu và nhược điểm của kỹ thuật biến đổi di truyền trên người. Tuy nhiên, không khí hội nghị diễn ra ngoài dự kiến khi một nhà sinh lý học Trung Quốc là He Jiankui tuyên bố đã thực hiện kỹ thuật này.
Jiankui cho biết đã can thiệp DNA hai bé gái sinh đôi bằng công cụ chỉnh sửa gen tên gọi CRISPR.
Nhà khoa học này gây bất ngờ hơn khi tiết lộ còn một người phụ nữ Trung Quốc nữa đang mang thai "em bé CRISPR" thứ ba. Theo MIT, đứa bé CRISPR thứ ba nhiều khả năng đã được sinh ra.
William Hurlbut, bác sĩ và nhà đạo đức học tại Đại học Stanford vẫn giữ liên lạc với ông He. Hurlbut nói ông biết ngày em bé thứ ba được thụ thai nhưng không thể công khai.
“Những gì tôi có thể nói đó là ca sinh bình thường mất 38-42 tuần. Bây giờ cũng gần tới ngày em bé đó chào đời”, Hurlbut nói.
Phát triển vượt bậc của ngành sinh học hay thoái hóa về đạo đức?
Rosario Isasi, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Miami kêu gọi các lãnh đạo giới khoa học phải đưa ra quyết định sớm và “kiểm soát thiệt hại” do sự kiện này gây nên.
Một mặt, chính phủ Trung Quốc không muốn thế giới chú ý vấn đề này quá nhiều, nhưng các chuyên gia ở đây lại không ngần ngại thảo luận thí nghiệm của He trên các mạng truyền thông xã hội như WeChat, tất nhiên vẫn được nhà nước theo dõi.
Khi công khai, thí nghiệm CRISPR bị lên án rộng rãi và buộc phải dừng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc các em bé CRISPR đã ra đời là không thể tránh khỏi.
Dù lệnh cấm toàn cầu được kêu gọi áp dụng cho CRISPR, không thể kiểm soát quyền nghiên cứu công nghệ thay đổi gen. Vào tháng 6/2019, một nhà khoa học ở Moscow cho biết ông hy vọng sẽ là người tiếp theo tạo ra những đứa trẻ CRISPR nếu được chấp thuận.
Ngày 25/11 năm ngoái, MIT Technology Review lần đầu tiên tiết lộ việc ông He Jiankui sử dụng CRISPR để tạo ra những đứa bé chỉnh sửa gen. Gần như ngay lập tức, nhà sinh lý học Trung Quốc đăng một loạt video trên YouTube về hoạt động chỉnh sửa phôi người dẫn đến sự ra đời của cặp song sinh, được gọi là Lulu và Nana.
Nhóm của ông đã sử dụng CRISPR để sửa đổi gen CCR5 làm cho các bé gái miễn nhiễm với HIV.
Thay vì được cổ vũ như anh hùng khoa học, He bị các nhà quan sát trên khắp thế giới chỉ trích, kể cả ở Trung Quốc vì thực hiện thí nghiệm đầy rủi ro và bị xem là vô nghĩa về mặt y tế.
Anh hùng dân tộc hay 'Frankeinstein Trung Quốc'?
Hai ngày sau khi đăng các đoạn video, Jiankui xuất hiện đầy kịch tính tại hội nghị thượng đỉnh ở Hong Kong, nơi ông được phép trình bày kết quả thử nghiệm của mình. Đó cũng là lúc ông tiết lộ có thêm một em bé CRISPR khác sắp ra đời.
Vì trước đó Jiankui đã nhận được nhiều lời đe dọa, nhà sinh lý học Trung Quốc ẩn nấp trong một căn phòng trước khi xuất hiện tại hội nghị và được các quan chức an ninh hộ tống. Tất cả muốn Jiankui nói ra mọi thứ vì rất có thể đây là cơ hội duy nhất họ được nghe ông nói.
Thực vậy, truyền thông thế giới đã không còn được biết thêm thông tin về Jiankui kể từ tháng 1/2019, sau khi giới chức Trung Quốc cáo buộc những vi phạm đạo đức của ông. Khi đó, đợt chỉnh sửa gen thứ hai được xác nhận trong quá trình thực hiện và người mẹ đang được theo dõi y tế. Em bé thứ ba cũng được loại bỏ gen CCR5 để miễn nhiễm với HIV.
Trong cả hai trường hợp, Jiankui đều tự tin thí nghiệm của mình sẽ thành công. Ông tin rằng những gì ông làm là mang lại vinh quang cho quê hương và ngạc nhiên khi bị chỉ trích ngay ở Trung Quốc.
Câu hỏi bây giờ là liệu chính quyền Trung Quốc có thừa nhận đứa trẻ CRISPR thứ ba hay không. Một điều mà He và các nhà khoa học khác đã thống nhất tại hội nghị là dữ liệu khoa học về các em bé CRISPR nên được công khai. Giới khoa học muốn biết kết quả chỉnh sửa trên bộ gen trẻ sơ sinh.
“Một đứa bé khác ra đời sẽ là bằng chứng tiếp theo cho thấy kỹ thuật CRISPR có thể tạo ra sự sống cho con người”, Hurlbut nói.
Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước làm rõ luật pháp và quy trình chỉnh sửa gen, bao gồm việc đưa ra các hình phạt mới.
Isasi, người đã tham gia các cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho hay các nhà đạo đức sinh học và nhiều người ở đây bày tỏ thất vọng về sự thiếu minh bạch ở các cuộc điều tra Jiankui đang diễn ra.
Ngoài ra, danh tính thực sự của 3 em bé và cha mẹ chúng đều được đồng ý giữ trong vòng bí mật. Nếu không, những đứa trẻ này có thể lớn lên với sự chú ý không mong muốn vì đã được tạo ra bởi nhà khoa học được mệnh danh "Frankenstein của Trung Quốc".
Theo Đại Việt/ Zing