Khi bước vào tuổi lên 2, bé trải qua một loạt thay đổi về tâm lý, thể chất. Các mẹ sẽ thấy con khát khao được độc lập và muốn thể hiện quyền lực của mình bằng hai từ cửa miệng “không” và “của con”, cùng với đó là những cơn ăn vạ không có hồi kết. Tâm trạng, hành động mang hơi hướng bạo lực như đấm đá, cắn, cấu, la hét, ăn vạ... là những chuyện thường ngày của bé trong lứa tuổi này. Làm thế nào để xử lý tình trạng trẻ ăn vạ một cách hiệu quả?
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Ái Liên, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, diễn giả của loạt hội thảo dành cho cha mẹ như Kỷ luật không nước mắt, Cha mẹ am hiểu, Giúp con yêu đọc sách,... chia sẻ cùng Zing.vn một số mẹo hay để xử lý thói ăn vạ, nhõng nhẽo của trẻ.
Phớt lờ
Phần lớn, lỗi của cha mẹ chính là việc thể hiện sự quan tâm khi con có hành động xấu. Khi bé ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ thường cố gắng dỗ dành, giải thích, răn đe ngay lập tức. Mọi phản ứng lúc đó đều khiến trẻ nhận ra chúng đang “được quan tâm” và càng tiếp tục.
|
Phần lớn, lỗi của cha mẹ chính là việc thể hiện sự quan tâm khi con có hành động xấu. Ảnh: Parenting. |
Hãy thử tỏ thái độ phớt lờ hành động của bé. Tốt nhất bạn nên để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng. cha mẹ hãy ở gần bé, nhìn bé với nét mặt thản nhiên, tươi cười và nói là con khóc xong thì mình sẽ chơi tiếp. Con sẽ không thể khóc được mãi, trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh. Lúc đó cha mẹ hãy bày ra trò chơi để đánh lạc hướng và “quên” mất là mình đang ăn vạ.
Không bỏ qua
Phớt lờ lúc bé ăn vạ không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé bình tĩnh, các mẹ nên ôm bé vào lòng và bắt đầu nói về chuyện vừa xảy ra. Bạn có thể nói với con rằng bạn hoàn toàn hiểu được cảm giác khi ấy của bé, và giúp bé diễn đạt những cảm xúc khó chịu thành lời. Ví dụ như “con bực tức vì đồ ăn không phải món con thích đúng không?” để bé có thể nhận ra rằng thể hiện cảm xúc bằng lời nói thì sẽ tốt hơn. Cuối cùng hãy cười và nói với con: “Mẹ xin lỗi vì đã không nhận ra rằng con không thích. Nhưng nếu con bình tĩnh và nói cho mẹ, mẹ đã có thể biết con muốn gì rồi”.
Trị con ăn vạ, mẹ phải sắt đá
Khi đòi hỏi mà không được đáp ứng, bé sẽ phản ứng gay gắt và cư xử khó ưa hơn. Nhưng cha mẹ đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lý cho những giọt nước mắt hay tiếng la hét đau đầu cả tiếng đồng hồ. Bản thân cha mẹ cũng không nên bực tức, la hét với con. Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo.
|
Khi đòi hỏi mà không được đáp ứng, bé sẽ phản ứng gay gắt và cư xử khó ưa hơn. Ảnh: Weheartit. |
Hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy con. Nếu mẹ cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc hoặc bối rối không biết xử trí, hãy đảm bảo con ở tình trạng an toàn và ra ngoài thư giãn một chút. Sau khi tâm trạng ổn định hơn, mẹ quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ.
Có thể ở nhà, mẹ đã xử lý hiệu quả cơn ăn vạ của bé bằng cách phớt lờ. Nhưng khi đi ra ngoài, đi siêu thị, quán cà phê... vì sợ mất mặt với người khác mà bạn dỗ bé bằng cách mua bánh kẹo hoặc đồ chơi, bé sẽ nhận ra thói quen này và có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì vậy, hãy luôn nhất quán thực hiện các phương pháp dạy con cả ở nhà lẫn bên ngoài.
Không để người khác xen vào
Nếu mẹ đang cương quyết với bé nhưng có những người xung quanh xúm vào dỗ dành, mọi kỷ luật trở thành vô nghĩa. Cần thống nhất quan điểm nuôi dạy con với các thành viên trong nhà, khi bé ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực bé sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.
Theo Chuyên gia tâm lý Trần Thị Ái Liên/Zing