Ngày 10/8, Công an quận Bình Tân (TPHCM) đã tạm giữ Nguyễn Thị Thúy Hằng (sinh năm 1988, quê Bến Tre) vì hành vi giết chính con gái ruột của mình là cháu N.Q.A., 3 tuổi.
Tại cơ quan công an Hằng khai, con gái bị bệnh hiểm nghèo, nhà không có tiền chữa trị nên cùng quẫn bế tắc, kèm theo đó cô bị bệnh trầm cảm nặng nên đã bế con đến nhà nghỉ thuê phòng với ý định tự tử. Hằng dùng dây sạc điện thoại siết cổ cháu A., cho vào tủ quần áo. Sau đó, cô đến một chung cư tự vẫn nhưng không làm được nên đi đầu thú.
|
Ảnh minh họa. |
Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên bà mẹ trẻ giết con do bệnh trầm cảm ở nước ta. Trước đây, có một số ca cũng đã rơi vào tình trạng tương tự, khi người mẹ còn rất trẻ cùng những đứa con non nớt.
Như gần đây nhất, tháng 5, tại Hà Tĩnh, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hằng (SN 1990, trú tại thôn Trung Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bị cơ quan điều tra phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường liên quan đến cái chết của con út nên đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Hằng để điều tra làm rõ về hành vi "giết người". Bà mẹ này cũng trong trạng thái bị trầm cảm, do hoàn cảnh khó khăn, chồng đi làm xa.
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, khi một người mẹ trầm cảm và muốn tự tử thì nguy cơ đứa con bị sát hại cũng rất cao. Điều này là dễ hiểu, bởi bà mẹ nào cũng thương con nên đã đã nghĩ rằng, nếu mình chết con sẽ không ai nuôi, sẽ bị khổ, vì thế, họ có xu hướng giết con sau đó tự vẫn.
Tuy nhiên, do tự tự không thành hoặc không có đủ dũng khí để chết nên thành ra họ giết con.
Chia sẻ về bệnh bệnh trầm cảm, BS Vũ Kim Hoàn, BV Tâm Thần TP HCM cho biết, trầm cảm là một rối loạn về tâm thần, bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Một số yếu tố thuận lợi cho việc phát sinh bệnh trầm cảm phải kể đến là áp lực về công việc, xung đột trong gia đình, stress cũng như những khó khăn về tài chính...
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài phải kể đến những yếu tố bên trong cũng có thể gây tăng nguy cơ trầm cảm như sau sinh đẻ, sau đột quỵ, các bệnh mạn tính hay bệnh ung thư,…
Khi chúng ta không đáp ứng được những thay đổi, những áp lực thì dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử.
Vị chuyên gia cũng cho hay, đã có trường hợp bệnh nhân trầm cảm nặng đến mức quẫn trí, ôm con tự tử…
Theo các chuyên gia, bệnh nhân trầm cảm có thể biểu hiện khởi đầu bằng một hoặc nhiều hơn các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, đau, dễ bị kích thích. Một số nhóm người có nguy cơ cao ví dụ: sau sinh đẻ, sau đột quỵ, người bị bệnh Parkinson hay bị bệnh xơ cứng rải rác.
Các nét đặc trưng để chẩn đoán bệnh trầm cảm là giảm khí sắc, khí sắc trầm buồn, mất quan tâm hứng thú, mệt mỏi, mất năng lượng, mệt mỏi. Thường có các triệu chứng kết hợp như rối loạn giấc ngủ, giảm dục năng, mất tự trọng, cảm giác tội lỗi, kích động hay chậm chạp trong vận động, mất ngon miệng. Đặc biệt, thường có các triệu chứng lo âu, sợ hãi cũng như có ý tưởng hay hành vi tự sát.
Hiện nay bệnh trầm cảm là một bệnh lý phổ biến song đã có các phương thức điều trị hiệu quả thông qua sử dụng thuốc cũng như tư vấn về tâm lý.
Theo đó, trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu trầm cảm trên cần được đi khám chuyên khoa, đồng thời gia đình và bạn bè cần phải sát sao, chia sẻ những khó khăn, thậm chí giám sát thật chặt chẽ, nếu cần thiết phải cho nhập viện để tránh các nguy cơ như tự tử hay gây thương tổn cho người khác.
Trong đó, người nhà cần giúp người bệnh xây dựng lòng tin, động viên bệnh nhân chống tự ti và tự phê phán, không buông theo các ý tưởng tự ti, tránh không quan tâm đến các suy nghĩa tiêu cực, tội lỗi.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video: BV Truyền máu huyết học TP.HCM cho bệnh nhi dùng thuốc hết hạn
Hà Trang