Tết và nỗi đau tận cùng
Đã 6 năm trôi qua, nhưng ThS.BS. Trịnh Đình Lợi - Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn nhớ như in: Bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi nằm ở giường 17, phòng số 3, lầu 3 Khoa Ngoại thần kinh, nhập viện cấp cứu trong tình trạng gãy hai đốt sống cổ, rất nguy kịch. Nguyên nhân là do tai nạn giao thông.
Cả gia đình nạn nhân trên đường đi du lịch Tết, tai nạn lật xe hơi khiến cô gái bị thương rất nặng. Trước khi mổ, bác sĩ mời gia đình lên giải thích. Chỉ có mẹ và anh trai nạn nhân nghe bác sĩ giải thích về tình trạng nguy kịch và những biến chứng có thể xảy ra sau mổ do tình trạng chấn thương quá nặng.
|
Ảnh minh họa. |
Riêng người cha, quá sốc trước tai nạn của con nên không có mặt. BS. Trịnh Đình Lợi đã trực tiếp mổ cho nạn nhân. Xét về ca mổ thì đã thành công. Vì đến ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân đã tỉnh. Nhưng từ ngày thứ 6, do bị tổn thương tủy, suy hô hấp nên nạn nhân tử vong.
Mẹ và anh trai nạn nhân được giải thích trước nên không phản ứng gì, ngược lại, người cha vì quá đau khổ nên đã phản ứng dữ dội. Ông cho rằng do bác sĩ mổ nên con gái ông đã tử vong.
“Không chỉ Tết năm đó mà 3 năm liên tiếp sau đó, cứ đến ngày mồng 1 là người cha lại nhắn tin chửi sao lại mổ như vậy, sao lại để con ông tử vong. Đọc tin nhắn của ông, tôi thất thần. Biết là lỗi không phải do mình. Nhưng cũng không thể trách ông được.
Ông quá đau đớn vì sự ra đi của con. Tôi chỉ biết ngẩng mặt lên trời. Còn trái tim thì đau như bị ai bóp nghẹt”. Thời gian sau, BS. Lợi đã chuyển tin nhắn đó cho mẹ nạn nhân. Mẹ và anh trai đã xin lỗi bác sĩ. Và sau này, mỗi dịp Tết, bác sĩ Lợi không còn phải nhận tin nhắn của người cha.Niềm hạnh phúc tột đỉnh của bác sĩ là bệnh nhân được cứu sống.
“Cô gái còn rất trẻ, dễ thương, tương lai rộng mở, là bác sĩ, không cứu được khiến bản thân tôi cũng đã vô cùng áy náy, day dứt dẫu biết cô ra đi vì chấn thương quá nặng. Chứng kiến nỗi đau tột cùng của gia đình, tôi đau khổ hơn. Lại thêm sự dày vò từ người cha. Có lúc tôi cảm giác như không thở được. Tôi nghĩ cái nghề gì mà đau vậy. Nhất là vào dịp Tết. Mấy năm nay không còn nữa nhưng tôi vẫn không thể quên”, BS. Trịnh Đình Lợi chia sẻ đầy tâm trạng.
Sự việc không liên quan đến mình, nhưng khi chứng kiến ThS. BS. Trần Hùng Phong - Khoa Ngoại Thần kinh không khỏi chạnh lòng. Một bệnh nhân cao tuổi nhập viện. Bệnh nhân được chỉ định tiêm thuốc. Loại thuốc này tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch đều được. Bác sĩ chỉ định tiêm đường này, nhưng do thói quen, điều dưỡng tiêm đường kia. Và bệnh nhân bị sốc nhẹ nhưng đã được các y bác sĩ xử lý ổn, tình trạng sức khỏe tốt.
Hôm sau, con trai bệnh nhân vào khoa tìm điều dưỡng, chị điều dưỡng vừa bước ra, người con trai tát thẳng vào mặt chị. “Nếu ngay khi ông cụ bị sốc, người con chứng kiến và hành động như vậy thì đã đành. Đằng này, bố anh ta đã ổn, sức khỏe đã tốt vậy mà còn thẳng tay đánh điều dưỡng thì nhẫn tâm quá”, BS. Hùng Phong chia sẻ.
Riêng với ThS.BS. Trần Hùng Phong, anh lại mang một nỗi niềm không thể chia sẻ. Anh mổ cho một bệnh nhân bị nhiễm HIV, khi điều dưỡng phụ mổ đưa dụng cụ không may đã làm anh đứt tay. Rửa tay xong, anh tiếp tục quay lại mổ cho người bệnh.
Anh uống thuốc phơi nhiễm. Sợ vợ lo lắng nên anh giấu nhẹm chuyện phơi nhiễm với HIV. Nhưng cũng vì không chia sẻ với vợ nên bác sĩ bị vợ nghi ngờ. Dẫu vậy, anh vẫn phải cố làm thinh vì không thể nào giải thích được.
Cứu bệnh nhân trước, viện phí tính sau
ThS.BS. Trần Hùng Phong làm việc tại Khoa Ngoại Thần kinh từ năm 1996, ThS.BS. Trịnh Đình Lợi làm từ năm 2002. Theo 2 bác sĩ, Khoa Ngoại thần kinh tiếp nhận những bệnh lý như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống… nên bất cứ một bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý nào làm việc tại khoa cũng vô cùng áp lực. Bệnh nhân vào tới khoa, không mổ bệnh nhân chết, không chăm sóc tốt bệnh nhân tử vong.
Cách đây chừng 3 - 4 năm, khu vực phía Nam chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị duy nhất có Khoa Ngoại Thần kinh nên từ em bé bị chấn thương đầu đến người lớn bị tai nạn hay những người già đều dồn hết vào khoa. Là đơn vị duy nhất cũng là đơn vị cuối cùng nên tất cả y bác sĩ ở đây đều xác định: bằng mọi cách phải tự cứu sống người bệnh với bất cứ giá nào.
Mấy năm gần đây, may mắn có thêm Khoa Ngoại thần kinh ở Bệnh viện Nhi đồng 2 và các tỉnh phía Nam cũng bắt đầu phẫu thuật được nên tại đây bệnh đã giảm. Tuy vậy, mỗi ngày Khoa Ngoại thần kinh vẫn phải mổ cấp cứu trung bình từ 8 - 12 ca, có ngày lên tới 15 ca, thậm chí dịp Tết lên tới 19 ca/ngày.
Vất vả, áp lực và có khi cả đau đớn nữa nhưng với các bác sĩ ở Khoa Ngoại Thần kinh, làm việc tại đây mỗi người đều cảm nhận rõ ràng nhất giá trị của nghề y: Nghề chữa bệnh cứu người! Gần như tất cả các bệnh nhân khi vào khoa đều trong tình trạng thập tử nhất sinh, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ.
Mỗi y bác sĩ đều chứng kiến sự tuyệt vọng và đau khổ đến tận cùng của người thân. Nhưng cũng không lâu sau đó lại là niềm hạnh phúc vỡ òa, niềm vui tột đỉnh khi người thân hồi tỉnh, được cứu sống.
Một điều vô cùng nhân văn mà bao năm nay vẫn diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy là: khi bệnh nhân vào cấp cứu, các y bác sĩ luôn tôn chỉ theo chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện: cứu bệnh nhân trước, viện phí tính sau.
Nên khi bệnh nhân vào Khoa Ngoại Thần kinh, các bác sĩ không cần biết bệnh nhân giàu hay nghèo, có tiền hay không có tiền. Duy chỉ một điều: mổ cấp cứu, giúp bệnh nhân thoát chết.
Vì thế mới có câu chuyện, người chết sống lại như lời kể của ThS.BS. Trần Hùng Phong. Một bệnh nhân nam khoảng ngoài 30 tuổi, vào khoa mổ cấp cứu vì bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Đằng đẵng gần 2 tháng, bệnh nhân được bác sĩ, điều dưỡng điều trị, chăm sóc.
Đến lúc bệnh nhân tỉnh hẳn, bệnh nhân khai nhà ở Thủ Đức, TP.HCM. Bệnh viện gọi điện báo công an phường nhưng nhận được trả lời là ở phường không có ai bị mất tích. Ngày giáp Tết, khi bệnh nhân khỏe hẳn, Bệnh viện đã cho bệnh nhân tiền đi xe về nhà. Khi bệnh nhân về đến nhà thì gia đình và hàng xóm bàng hoàng vì mọi người đang chuẩn bị làm 49 ngày cho anh. Mọi người cứ tưởng anh chết rồi sống lại.
Nhưng thực ra, cùng thời điểm anh bị tai nạn, người cha đã vào Bệnh viện Chợ Rẫy tìm kiếm, thấy một người bị tai nạn biến dạng đã tử vong, nhầm tưởng là con nên đã xin đưa xác về làm đám tang. Khi anh con trai về nhà, mọi người mới ngỡ ngàng. Quá vui, người cha quay lại Bệnh viện cảm ơn y bác sĩ và đóng viện phí gần 2 tháng con trai nằm điều trị nhưng bệnh viện không lấy tiền với lí do gia đình ông cũng đã lo ma chay cho người bị tai nạn.
Câu chuyện về những tấm lòng nhân ái của những nghĩa cử cao cả, đầy tình thương yêu còn được ThS.BS. Trịnh Đình Lợi tiếp lời. Hiện ở khoa còn có những bệnh nhân vô gia cư, được bệnh viện cứu sống, đã hồi phục sức khỏe nhưng vẫn còn ở lại khoa cũng đã 2 - 3 tháng rồi. Các chị điều dưỡng, hộ lý hàng ngày vẫn chăm sóc cơm, nước. Bệnh viện đang liên hệ với các trung tâm xã hội, khi nào trung tâm nhận mới để bệnh nhân đi.
Câu chuyện được các bác sĩ kể thật tự nhiên. Sao nghe cứ thấy nghèn nghẹn. Có nghề nào cao cả hơn nghề y!
Theo Sức khỏe và Đời sống