Trách mẹ tàn nhẫn, cô gái khóc nấc khi biết sự thật

Google News

Từ bé mình đã không thích mẹ. Mẹ dữ đòn, luôn tự hào về các em mình xinh đẹp, có gì ngon cũng dành cho một đứa mà mẹ quí nhất.

Từ bé mình đã thần tượng bố, bố mình là người đàn ông đẹp trai thông minh và tài hoa.
Từ bé mình đã không thích mẹ. Mẹ dữ đòn, luôn tự hào về các em mình xinh đẹp, có gì ngon cũng dành cho một đứa mà mẹ quí nhất.
Mình học giỏi, biết làm nhiều việc mang lại thu nhập, thuận lợi cho gia đình từ khi còn bé tí, nhưng luôn bị đòn và la rầy vì những lỗi của các em. Bởi vậy mình luôn nghĩ mẹ không yêu mình.
Mình còn không yêu mẹ vì mẹ lạnh lùng và vô cảm trước mọi khó khăn vất vả của các con.
Suốt thời thơ ấu tôi đã lớn lên trong sự lạnh lùng của mẹ. Mẹ tôi học hết lớp 4, nhưng với ngày xưa thì trình độ đó của phụ nữ đã là đáng nể rồi.
Từ ngày lấy chồng. Mẹ tôi thôi đi làm ở nhà nội trợ. Mẹ đẻ sòn sòn cứ hai năm một, ba năm đôi. Người lúc nào cũng vẹo vọ vì mang bầu và con mọn. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đổ lên đầu đứa con gái cả là tôi. Thực ra nếu chỉ có thế cũng bình thường. Nhưng mẹ tôi ác lắm. Bà đánh đòn tôi hàng ngày. Vì tôi nghịch: đánh; Vì tôi cãi lại: đánh; Vì nhà cửa bẩn hoặc quần áo chưa giặt hoặc trời mưa không kịp rút vào: đánh; Vì mải đọc truyện cơm khê, con mèo ăn vụng thức ăn: đánh; Vì em tôi không ngoan làm vỡ thứ này thứ nọ: đánh, Vì hai đứa em tôi đánh nhau khi mẹ vắng nhà, em tôi chưa tắm mặt mũi quần áo lấm lem: đánh…
Tôi bị đánh nhiều đến mức lì đòn. Ban đầu còn khóc và xin tha. Sau rồi, tôi chả cần thanh minh, thanh nga gì nữa. Tôi kệ mẹ tôi đánh, chán thì thôi. Đêm tôi nằm nghiêng để ngủ vì mông đau. Đến lớp tôi kê quyển nháp bằng giấy pơluya ngồi cho đỡ đau.
Nhưng nói thật là tôi rất sợ đòn. Tôi - một con bé gầy gò, đen nhẻm cố hết sức để mọi việc chu toàn của một ngôi nhà có 6 đứa em lít nhít và một bà mẹ nghiêm khắc đến lạnh lùng vô cảm.
Từ khi tôi biết, tôi chưa từng được bà ôm, nói một câu âu yếm bao giờ. Bà thường gọi tôi là "mày" và xưng "tao". Thế nên mới có một lần duy nhất đêm đông lạnh lắm, lạnh không thể ngủ nổi, mẹ tôi sai tôi quạt một chậu than hoa. Mấy mẹ con ngồi quây quần hơ tay cho đỡ lạnh. Hôm đó mẹ tôi bỗng kể chuyện gia đình, chuyện dòng tộc, chuyện chúng tôi ra đời. Khi mẹ tôi nói:
- "Ngày con ra đời, mẹ... "
Tự nhiên tôi thấy mẹ tôi như một bà tiên khi lần đầu tiên bà gọi tôi là "con". Tiếng gọi thiêng liêng đó va mạnh vào tâm tư tôi đến nỗi con bé 14 tuổi lập tức bảo mẹ rằng: "Sau này lớn lên con sẽ đi làm để nuôi mẹ".
Cũng chỉ có một lần duy nhất đó cho đến tận bây giờ. Khi tôi lớn đi học đại học mẹ tôi gọi tôi là "chị".
Trach me tan nhan, co gai khoc nac khi biet su that
 Ảnh minh họa.
Tôi lớn lên trong sự tự ti vô cùng của một người con gái. Mẹ tôi rất tự hào vì bà có những đứa con xinh xắn. Tôi là đứa xấu xí nhất. Điều này làm bà hổ thẹn. Thường thì khách đến nhà, nếu người ta khen: Nhà chị có mấy đứa con xinh xắn nhỉ. Lập tức mẹ tôi nói: " Vâng, nhờ trời, các cháu nhà tôi đứa nào cũng xinh, chỉ có xấu nhất là con này..." - bà chỉ vào tôi đang cặm cụi bên bàn máy khâu.
Mỗi khi bà tức giận tôi. Câu cửa miệng của bà là: "Cái loại vừa xấu vừa hư như mày thì sau này đến chó nó cũng không thèm rước!".
Tôi cắn môi, nuốt nước mắt vào trong và tự khắc vào đầu mình nỗi tự ti đến cùng cực!
Có lẽ nhờ thế mà tôi học giỏi. Ngoài việc nhà, tôi chúi mũi vào truyện, vào Toán, Lý, Hóa để tìm cho mình sự cân bằng. Những cái vỗ tay, hay lời khen của cô giáo, bạn bè khích lệ tôi. Những điểm cao là thứ để tôi thấy mình có chút giá trị.
Suốt những năm tháng phổ thông tôi tin mình là kẻ: Xấu xí, đanh đá, chả ai ưa. Tôi chơi thân với nhiều bạn gái, bạn trai nhưng tuyệt nhiên không dám nghĩ đến một điều gì khác. Tôi nghĩ: Đến mẹ đẻ ra tôi còn không yêu tôi thì ai có thể yêu tôi chứ. Có lẽ tôi đáng ghét lắm. Tôi đã sẵn sàng sống một mình.
Rồi tôi thi đậu đại học với số điểm suýt soát được đi học nước ngoài. Tất nhiên là bố mẹ tôi tự hào lắm. Họ hàng đến chúc mừng cho cái bút, cái bàn chải đánh răng, cái chiếu một, cái áo cũ đã lộn cổ lại hoặc một hai đồng cho cháu đi đường.
Mẹ tôi xếp các thứ đồ dùng vào cái va li cũ. Nắm cho tôi nắm cơm muối vừng mang theo ăn đường, kiếm hai cái lọ cho thuốc vào và đề bên ngoài là: "ỉa" và "sốt". Thế là tôi lên tàu ra Hà Nội.
Năm đầu tiên xa nhà, tôi hay lên gác thượng khóc một mình. Tôi nhớ nhà và nhớ đàn em lít nhít của mình. Nhưng tôi không nhớ mẹ. Thỉnh thoảng bố tôi gửi thư tay ra cho tôi. Bố viết tình cảm lắm và bố rất yêu chúng tôi. Ông chẳng đánh mắng đứa nào bao giờ lại hay kể chuyện, hay tâm sự nên tôi thần tượng bố tôi lắm.
Tôi thường mơ ước lấy được người chồng đẹp trai, tài giỏi và lãng mạn, tình cảm như bố. Ấy là ước thôi. Chứ tuyệt nhiên chả ai thấy tôi tỏ ra biết yêu bao giờ. Mẹ tôi, suốt 5 năm đại học chỉ viết cho tôi lá thư duy nhất là: "Nhân có bạn chị ghé qua, mẹ gửi một gói ruốc cá (đây là thứ bột thịt cá dùng để sản xuất thức ăn gia súc bây giờ - ngày đó quý lắm) và hai bơ đậu đen, ít đường. Chị ăn thêm cho khỏe." - có lẽ hôm đó bố tôi không có nhà!
Tôi ra trường, may lại được phân công công tác nên có lương. Được phân căn hộ tập thể (chứ nếu như bây giờ thì cũng hết hơi). Rồi cũng có người thích tôi, yêu tôi. Anh bảo tôi đáng yêu vì hay cười, hài hước và thông minh.
Tôi bảo anh: “Em là đứa đến chó cũng chẳng thèm”. Anh bảo: “Thế tốt. Chó không thèm thì người thèm”. Tôi bảo: “Em xấu xí, đanh đá, hư và lười lắm”. Anh nói: “Đúng gu của anh rồi”!
Ngày nhà trai hẹn vào ăn hỏi tôi. Tôi thấy mẹ hẹn với người ta rồi mà chả chuẩn bị gì cả. Chiều tối tôi đánh bạo hỏi mẹ. Bà chỉ vào mặt tôi và nói:
- "Năm nay là năm tuổi của chị, chị không lấy chồng được, kể cả chị chửa ra đó rồi cũng kệ xác chị!".
Tôi choáng. Tôi không hiểu sao mẹ tôi có thể nghĩ về tôi xấu xa đến thế. Tôi xa nhà 5 năm. Anh yêu tôi nhưng đến lúc đó tôi cũng chưa để anh ôm dẫu chỉ một lần. Thế nên tôi bảo mẹ:
- "Không cưới cũng được mẹ ạ, con chẳng có chuyện gì đâu".
Rồi tôi ra sau nhà bưng mặt khóc. Có lẽ điều may mắn nhất đời của tôi là tôi đậu đại học, may mắn nhì là ngày đó đi học có học bổng. Nếu không, chưa biết tôi đã trở thành thứ gì, hay hóa điên trong sự kỳ thị và ghét bỏ ra mặt của mẹ.
Bao nhiêu năm tôi vẫn không lí giải được vì sao nhà tôi nghèo mà mấy lời yêu thương có tốn kém gì đâu sao lại thiếu như vậy? Tôi cũng không hiểu sao mẹ tôi lại cư xử con yêu con ghét với những đứa con do chính mình đẻ ra. Chị em tôi đều biết rõ mẹ chỉ yêu quý và cưng chiều ba trong bảy chị em tôi.
Mẹ tôi đến tận bây giờ cũng không biết rằng: Khi tôi gặp khó khăn, khi tôi cần san sẻ, cần một vòng tay để khóc òa lên tuyệt nhiên chưa bao giờ tôi nghĩ đến mẹ tôi cả.
Tôi cũng không hiểu sao, có lẽ do bản năng, có lẽ do món nợ tiền kiếp mà mỗi khi mẹ tôi đau tôi vẫn đứt từng khúc ruột. Sinh viên được nghỉ 3 ngày tôi cũng lao về nhà lăn ra dọn dẹp, lau chùi, sắp đặt vì em tôi vẫn bừa bãi, bố tôi là họa sỹ cũng bề bộn, còn mẹ tôi thì gánh toàn bộ công việc tôi bỏ lại nên chẳng còn sức lực. '
Nghỉ hè một tháng, tôi tu tạo lại cái vườn, đánh luống trồng rau, lôi nồi xoong ra cọ rửa, lật giát giường ra phơi. Mang chăn chiếu đi giặt. Tôi làm mọi việc để mẹ tôi đỡ phải làm.
Ngày tôi sinh con, vợ chồng tôi nghèo lắm. Mẹ tôi ra thăm đi chợ, nấu nướng và tôi được biết những món ngon từ đồng tiền của bà. Mỗi lần bà ra chơi đều khệ nệ mang theo moi khô, cá khô để nhà tôi có cái ăn dần. Những lúc đó tôi cảm động lắm. Tôi nghĩ cuối cùng thì mẹ cũng đã thương mình tí chút.
Gia đình tôi giờ đã vững vàng. Ấy là lúc mẹ tôi bắt đầu ốm đau nhiều. Ốm đau, hai ba lần mổ, bà mới thấm thía rằng: Chính đứa con mà bà đã cưng chiều giờ đãi bôi và bất hiếu đến cùng cực. Những đứa con bà ghét bỏ lại nuôi dưỡng bà và hiếu thảo hết mức.
Tôi thực sự không biết tôi có yêu mẹ tôi không? Tôi cũng không biết có phải là trả nợ tiền kiếp không? Tôi cũng không biết có phải bản năng không? Chỉ biết nếu mẹ tôi đau thì bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào quãng đường 150km cũng ngắn một gang và chỉ cần 3 giờ sau tôi đã có mặt bên mẹ.
Nếu bà cần nằm viện thì tôi có thể quẳng cái hợp đồng hàng chục triệu sang một bên để ở bệnh viện chăm chút cho bà.
Hơn 50 tuổi đời, càng nghĩ càng ngấm về những gì mình đã dành cho mẹ và những gì mẹ đã âm thầm dạy cho mình: Nhờ có bố mình luôn biết sáng tạo và lãng mạn trong công việc. Theo bố đi làm thêm mình biết làm việc độc lập và biết cách suy nghĩ của một người đàn ông.
Nhưng nhờ có mẹ mà mình biết ngăn nắp, biết nhẫn nhịn, biết nhường, biết yêu thương các em hơn, biết chấp nhận mình thua kém, biết nhận khuyết điểm về mình và chịu được mọi áp lực trong cuộc đời. Nhờ mẹ mà mình không trở thành người ích kỷ.
Cảm ơn ông trời đã cho mình một gia đình với cha mẹ tuyệt vời như vậy. Nhân Ngày của Mẹ, kính chúc cha mẹ mạnh khỏe, sống vui mãi cùng con cháu. Cảm ơn bố mẹ thật nhiều.
Theo Đặng Hồng Thúy/Giadinh.net