|
Hình ảnh quảng cáo Trà giảm cân Cường Anh bị cảnh báo |
Được biết, sản phẩm này do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch Vụ Cường Anh Authentic (địa chỉ: Tầng 4, Số 696, Phố Quang Trung, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, đây không phải lần đầu các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Cường Anh vướng "lùm xùm" về chất lượng sản phẩm cũng như việc quảng cáo sản phẩm.
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Cường Anh từng vướng nghi vấn chứa chất cấm khi vào thời điểm tháng 5 - 7/2018, xuất hiện những hình ảnh phiếu kiểm nghiệm sản phẩm Viên tăng cân – Safety Gain weight Cuong Anh; hình ảnh phiếu kiểm nghiệm Viên giảm cân – Safety Lose weight Cuong Anh của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy, sản phẩm của Cường Anh chứa chất cấm.
Cụ thể, với Phiếu kiểm nghiệm số 9752/PKN-VNKQG, thời gian kiểm nghiệm từ 18-25/5/2018, sản phẩm viên giảm cân Cường Anh cho thấy sản phẩm này có chứa Sibutramine (LOD: 3,5ug/g). Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm viên giảm cân Cường Anh cho thấy sản phẩm này có chứa Sibutramine (LOD: 3,5ug/g). Kết quả xét nghiệm định tính và định lượng ngày 06/7/2018 trên Phiếu kiểm nghiệm số 124520/PKN-VKNQG với mẫu viên giảm cân an toàn Cường Anh (NSX: 20/05/2018, HSD: 20/05/2019), số lượng 10 viên, cũng cho kết quả tương tự: Sibutramine (LOD: 3,5ug/g).
|
Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm giảm cân Cường Anh cho thấy sản phẩm này có chứa Sibutramine (LOD: 3,5ug/g).
|
Chất cấm Sibutramine nguy hiểm ra sao?
Chất cấm Sibutramine trong Trà giảm cân Cường Anh có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ; Phenolphtalein có nguy cơ gây ung thư và cũng có thể gây suy tim sung huyết hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành.
Đặc biệt, các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có thể gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%).
Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%), hội chứng Gilles de la Tourette, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ… Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.
Chính vì những tác dụng phụ nguy hại đó, từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có sibutramine.
Ở Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Tiếp đó, ngày 14/4/2011 Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine và quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất này ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.