Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cung cấp trong họp báo chiều ngày 6/12.
Theo đó, để ứng phó với nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh và Công an TP xây dựng “thế trận y tế”. Đối với thế trận “kiềng 3 chân” này, các lực lượng sẽ có kế hoạch tác chiến, nhận diện từ xa, khống chế hiệu quả biến thể Omicron.
|
TP.HCM dự kiến cách ly và điều trị F0 nhiễm biến thể mới ở Bệnh viện Dã chiến số 12. |
Đồng thời, TP.HCM dự kiến sẽ đưa những F0 nhiễm biến thể Omicron điều trị riêng tại Bệnh viện dã chiến số 12, tại TP Thủ Đức. Bệnh viện tương đối biệt lập, các F0 nhiễm biến thể Omicron sẽ được chăm sóc riêng trong khu tập trung, nhằm khống chế và ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận định, TP.HCM có nguy cơ bị biến thể mới xâm nhập. Do đó, đã tham mưu Sở Y tế kế hoạch ứng phó.
Theo BS Hồng Tâm, giải pháp đầu tiên là ngăn chặn từ biên giới với nguồn nhập cảnh. Tại TP.HCM, 2 cửa khẩu quốc tế là sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn. Tất cả người nhập cảnh nếu tiêm đủ vắc xin, sẽ cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày sau khi âm tính.
Với đường hàng hải, thuyền viên, nhân viên sẽ cách ly tại tàu. Nếu trường hợp nào vào đất liền sẽ được cách ly như người nhập cảnh đường hàng không.
HCDC hiện phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM triển khai giải trình tự gen với F0 nhập cảnh. “Qua đó, chưa phát hiện biến thể Omicrion tại TP.HCM đến thời điểm này”, BS Tâm cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhập cảnh chui, gây nhiều khó khăn, người nhập cảnh đường tiểu ngạch từ Campuchia vào các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An, sau đó vào TP HCM. Thậm chí, ngành y tế ghi nhận tại TP có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép từ biên giới phía Bắc.
Trong nội địa, ngành y tế tiếp tục tăng cường lực lượng cho trạm y tế lưu động, y tế phường chăm sóc F0 tại nhà, sẵn sàng ứng phó với cấp độ dịch phù hợp. TP hiện có 168 trạm lưu động do quân y tăng cường đến hết năm 2021.
Đáng lưu ý, TP có kế hoạch tăng cường tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại cho người dân. Việc tiêm bổ sung này dành cho người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, sau 28 ngày kể từ mũi tiêm gần nhất. Mũi tiêm nhắc lại được thực hiện sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành tiêm 2 mũi.
|
TP.HCM mở chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. |
BS Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh, người dân cần nghiêm túc thực hiện giải pháp 5K trong cộng đồng, đặc biệt hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, phòng ngừa sự xâm nhập của biến thể mới.
Theo Sở Y tế TP.HCM, biến thể Omicron xuất hiện tại Nam Phi và hiện đã lan ra gần 30 nước trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á đã có Singapore và Thái Lan ghi nhận ca mắc. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ lây lan của Omicron được cho là 500%, gấp 5 lần biến thể cũ. Tuy nhiên, độc lực, kháng vắc xin hiện tại của biến thể vẫn chưa được làm rõ.
Liên quan đến kế hoạch ứng phó dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện không điều trị Covi-19 phải thành lập khoa sàng lọc, khu vực cách ly tạm thời để điều trị các ca nhiễm COVID-19. Khi có ca bệnh dương tính với nCoV sẽ được điều trị tại bệnh viện, tránh việc chuyển tới lui.
Các bệnh viện sản - nhi sẽ có đơn vị hồi sức COVID-19, kịp thời cứu chữa các ca COVID-19 thuộc đối tượng tương ứng.
Các bệnh viện chuyển đổi công năng như Bệnh nhiệt đới, Trưng Vương, An Bình, Củ Chi vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh; các bệnh viện tách đôi cũng tiếp tục nhiệm vụ điều trị COVID-19 ở nửa tách đôi.
Đến nay, TP đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến thu dung theo lộ trình, hiện còn lại 13 bệnh viện. Với 13 bệnh viện này, TP sẽ không giải thể theo kế hoạch ban đầu. Trước diễn tiến phức tạp hiện tại, các bệnh viện dã chiến thu dung sẽ được tái cấu trúc thành bệnh viện 3 tầng, kịp thời điều trị F0 ở các mức độ khác nhau.
Hiện TP có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động. TP vẫn tiếp tục duy trì cung ứng các túi thuốc cho F0 tại nhà.
“Với cách làm này, TP hy vọng giảm sâu tỷ lệ tử vong trên địa bàn”, bà Huỳnh Mai cho biết.
Theo Linh Giao/Vietnamnet