Theo BS Trương Hữu Khanh, có 3 việc TP.HCM cần làm để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 khi ca F0 mỗi ngày luôn ở 4 con số.
Phân loại bệnh nhân
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện thành phố đang điều trị cho 33.467 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó 362 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Với con số này, BS Khanh cho rằng, số bệnh nhân sẽ không dừng lại ở đó và TP.HCM sẽ có thể đối diện với việc quá tải hệ thống y tế. Do vậy, phương án quan trọng thứ nhất hiện nay là phải phân loại bệnh nhân. Tức là không cần chuyển đi gấp mà hãy phân loại các trường hợp F0 trước khi chuyển họ đến các nơi điều trị. Và cần phải thu xếp xong xuôi nơi tiếp nhận thì mới chuyển bệnh nhân đến.
|
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng, ví dụ người bệnh là người béo phì, người trên 65 tuổi, người có bền nền thì lúc đó thu xếp chuyển nhanh. Còn lại những người trẻ, khỏe, không triệu chứng thì thu xếp chuyển đến bệnh viện sau, hướng dẫn họ chăm sóc sức khỏe và các biện pháp phòng dịch tại nhà và chờ đợi.
“Mình không nên vội vàng chuyển bệnh nhân đi gấp, chỉ những người nặng thì bắt buộc. Tất cả những người còn lại (không triệu chứng, nhẹ, không bệnh nền, trẻ khỏe…) giải thích để họ hiểu, ở nhà chờ và bình tĩnh. Khi có chỗ cách ly và điều trị rồi sẽ chuyển đi sớm nhất có thể. Cái đó phải phối hợp phân loại và đều phối”, BS Khanh nói.
Thứ hai là phải có hệ thống phối hợp điều hành, có bộ phận điều phối tất cả các bệnh viện ở TP.HCM để biết nơi nào thiếu, nơi nào thừa để đưa bệnh nhân đến chứ không “lấp đầy bệnh nhân chỗ này xong lấp đầy chỗ khác”.
“Điều đó rất quan trọng bởi vì nếu chỗ cần thở oxy mà lại quá tải trong khi chỗ không cần thở oxy lại để trống oxy là không nên. Chỗ cần thở oxy là chỉ có người nặng thôi, những người khác không cần thì ở nơi khác. Nên phải điều phối mỗi ngày, mỗi giờ thì mình mới giải quyết quá tải được”, BS Khanh nhấn mạnh.
Ngoài việc phân loại F0 trước khi chuyển điều trị, BS Khanh còn cho rằng phải phân loại lại tuyến điều trị. Bệnh nhân nhẹ ở tuyến trên khi hết giai đoạn nguy cơ thì phải chuyển về tuyến dưới, để tuyến trên giữ sức mà điều trị cho bệnh nhân nặng.
“Nếu trường hợp quá đông nữa, chắc chắn cách ly tại nhà một thời gian ngắn đối với nhữnng người nhẹ (không triệu chứng), đủ điều kiện cách ly tại nhà mà bệnh viện chưa đảm đương được, khi các F0 xuất viện thì chuyển các bệnh nhân này vào”, BS Khanh nêu ý kiến.
|
TP.HCM đối diện nguy cơ quá tải y tế khi số bệnh nhân COVID-19 tăng mỗi ngày. |
Cho F0 xuất viện sớm
Theo BS Khanh, F0 xuất viện sớm đã được Bộ Y tế cho phép và hướng dẫn cụ thể, TP.HCM cần nghiên cứu và áp dụng ngay việc này để tránh quá tải các cho các bệnh viện điều trị COVID-19.
Các trường hợp F0 không có triệu chứng đang được điều trị cách ly tại hệ thống bệnh viện tiếp nhận, điều trị COVID-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR vào ngày thứ 8.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30), người bệnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vào ngày thứ 10.
Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, người bệnh sẽ được cho xuất viện, cách ly theo dõi tại nhà và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19 khác.
“Ngày thứ 8 làm xét nghiệm, ngày thứ 10 âm tính cho về. Theo nghiên cứu của thế giới, sau ngày thứ 10, bệnh rất ít lây nhiễm vì hàm lượng virus trong cơ thể rất thấp và từ ngày thứ 8 trở đi rất hiếm khi trở nặng, chúng ta làm tốt khâu này sẽ giảm quá tải”, BS Khanh cho biết.
Tuy nhiên theo ông Khanh, ngoài xuất viện sớm thì việc quan trọng là phải làm sao kiểm soát lây nhiễm ngoài cộng đồng, lúc đó khối điều trị mới giảm áp lực được.
Tìm và đào tạo nhân lực thật nhanh
Việc thứ 3 mà BS Khanh nhắc đến là khâu dào tạo nhân lực y tế cho các bệnh viện dã chiến và điều trị COVID-19.
Bởi với tình hình số lượng bệnh nhân tăng mỗi ngày 4 con số hiện nay (hiện đang điều trị hơn 33.000 người dương tính), TP.HCM có thể có 50.000 người mắc COVID-19, thậm chí có thể cao hơn nữa, nguồn nhân lực sẽ không đáp ứng đủ nếu không nhanh chóng tìm và đào tạo nhân viên y tế.
“Nhiên viên y tế hiện nay là phải đào tạo, đào tạo thật là nhanh cho tất cả đội ngũ này có thể điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng, tất cả đều phải biết để khi cần là điều động”, BS Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, BS Khanh cho rằng, TP.HCM phải tìm nguồn nhân lực tự nguyện hay nguồn nhân lực không phải là nhân viên y tế (không phải bác sĩ, điều dưỡng) để phục vụ những việc mà không cần bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế làm để giảm tải và giữ sức cho họ.
“Đào tạo thật là nhanh đội ngũ có thể chăm sóc bệnh nhân ở mức không cần thở oxy, nhẹ không triệu chứng, lúc đó mới bảo đảm được nguồn nhân lực y tế điều trị bệnh. Rút toàn bộ người chuyên môn cao, bác sĩ tinh túy về để điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân có triệu chứng. Trả lại, giao công việc lấy mẫu cho nhóm khác (sinh viên y khoa, y tá, hộ lý,….) thì lúc đó mới đủ điều kiện để điều trị quá tải”, BS Khanh nêu giải pháp.
Theo Mai Thúy/VTC