Trẻ tử vong và nhiễm sởi do chưa tiêm phòng
Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (ban hành năm 2007), bệnh sởi được xếp vào nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, cùng với các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Bệnh sởi cũng là một trong 6 bệnh truyền nhiễm được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ngay từ những năm đầu triển khai trong thập nên 1980. Đến nay, bệnh sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm với lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Bộ Y tế Việt Nam quy định tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi tại TP HCM - Ảnh minh họa
Theo thống kê của viện Pasteur TP HCM thì đến hết ngày 28/7, toàn khu vực có 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được báo cáo, trong đó có 481 ca có xét nghiệm dương tính (ca xác định); số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP HCM, tính đến ngày 4/8/20, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính; hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại Thành phố.
Tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP HCM thì có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó từ năm 2021 đến năm 2023 cả Thành phố chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính.
Toàn Thành phố đã có 48 phường xã trên 14 quận huyện có ca bệnh sởi xác định; 8 quận huyện có từ 02 phường xã trở lên có ca bệnh. Trong 116 ca xác định, có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 02 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trong đợt dịch này, các bệnh viện của Thành phố đã ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, gồm:
Trẻ thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền là suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thẻ, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng, bé chưa được tiêm chủng vắc xin sởi;
Trẻ thứ hai là bé gái 4 tháng tuổi, hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng;
Trẻ thứ ba là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.
Biểu đồ tình hình nhiễm sởi trên thế giới - Ảnh minh họa
41/53 quốc gia ghi nhận bệnh sởi
Mỗi năm, hàng trăm nghìn ca bệnh sởi vẫn được báo cáo từ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu công bố trên trang WHO Immunisation data portal, từ năm 2000 đến năm 2016 số ca sởi toàn cầu có xu hướng giảm rõ rệt; tuy nhiên từ 2017 đến 2023, có những năm số ca được báo cáo tăng mạnh như năm 2019 là 873.373 ca và năm 2023 là 663.830 ca.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, nhiều quốc gia, châu lục cũng đã cảnh báo mạnh mẽ sự gia tăng của bệnh sởi. Theo báo cáo ngày 28/5/2024 của WHO và Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) thì trong năm 2023 khu vực Châu Âu có 61.070 trường hợp mắc bệnh sởi và 13 trường hợp tử vong đã được báo cáo tại 41 quốc gia trong tổng số 53 quốc gia.
Bản đồ phân bố ca sởi xác định tại TPHCM đến 04/8/2024.
Nhưng trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 56.634 trường hợp mắc bệnh sởi và bốn trường hợp tử vong đã được báo cáo chính thức tại 45 quốc gia thuộc khu vực này. Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, tính đến ngày 08/8/2024 đã có 211 ca sởi được báo cáo từ 27 bang của nước này; trong khi cả năm 2023 chỉ có 59 ca được báo cáo.
Nguy cơ hiện hữu – cần hành động ngay
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm đã được biết đến từ rất sớm trong lịch sử nhân loại và cũng là bệnh được đưa vào trong lịch tiêm chủng của nhiều quốc gia trên thế giới từ sau khi vắc xin phòng bệnh ra đời.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong. Bệnh sởi cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể khiến cho cơ thể “quên” cách tự đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng và làm cho trẻ bệnh trở nên yếu ớt, dễ bị bệnh.
Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi.
Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ 2 mũi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vắc xin, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.
Bản đồ phân bố ca sởi xác định tại TPHCM đến 04/8/2024.
Ngành Y tế TP HCM tích cực ứng phó dịch sởi, khống chế số ca biến chứng nặng, tử vong.
Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong.
1. Chỉ đạo Trung tâm Y tế quận huyện và thành phố Thủ Đức, các trạm y tế xã phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tiêm chủng; tích cực rà soát trẻ sống trên địa bàn và tư vấn gia định đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi và các vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
2. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh.
3. Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị…phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh.
4.Giao các bệnh viện đang quản lý bệnh nhân rà soát tiền sử tiêm chủng đối với các bệnh nhân có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý nền; tổ chức tiêm vắc xin tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện.
5. Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, các chuyên gia về Y tế công cộng của Thành phố.
Sở Y tế TP HCM kêu gọi mỗi gia đình có trẻ em hãy đưa trẻ đi tiêm chủng theo các thông báo của y tế địa phương đang cư ngụ; những người sống chung với bệnh nhân mắc bệnh nền nên tiêm chủng phòng bệnh để góp phần bảo vệ người thân của mình.
Thúy Nga