Người ta biết đến phố núi Kon Tum như thành phố của những cơn gió mạnh mẽ, nơi có dòng sông Đăk Bla dữ dội, nơi có ngọn Ngọc Linh cao chót vót với Sâm Ngọc Linh nức tiếng về độ quý hiếm. Thiên nhiên đã mang đến cho mảnh đất Bắc Tây Nguyên đầy đủ cả sản vật của núi rừng và sông suối, tạo nên những đặc sản thơm ngon lạ lùng. Phố núi Kon Tum nhỏ bé vừa là nơi gặp gỡ của ẩm thực ba miền, vừa tạo thành nét đặc trưng, nhẹ nhàng mà riêng biệt, không lẫn vào đâu được.
Những du khách một lần đến Kon Tum, đã thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên thì ắt hẳn không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ẩm thực Bắc Tây Nguyên với cả sự tò mò và thích thú. Để rồi người nào cũng phải công nhận đó là sự hòa quyện tuyệt vời và khéo léo giữa dân dã và cầu kì, giữa đơn giản và phức tạp, ẩn chứa trong từng món ăn riêng biệt. Dưới đây là món ăn đặc sản ở Kon Tum, du khách nên thử.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Thưởng thức món xôi măng cá nục thơm ngon ngất ngây
Hạt xôi mềm dẻo, ăn cùng với măng giòn và cá mặn mặn tạo nên hương vị đậm đà khó quên. (Ảnh: MiA)
Nhắc đến xôi có rất nhiều cái tên hiện lên như xôi dừa, xôi thập cẩm, xôi ngô, xôi lạc, xéo… hẳn chẳng còn gì xa lạ với mọi người. Thế nhưng khi nhắc đến Xôi măng nhiều người lại trầm trồ bởi vì cái tên kỳ lạ này. Đối với những ai sinh sống ở Kon Tum thì Xôi măng là một món ăn vô cùng quen thuộc, hấp dẫn.
Nguyên liệu làm xôi măng khá đơn giản, có hai thứ không thể thiếu là gạo nếp và măng rừng. Măng phải là loại măng núi, tươi mới hái về. Nếp được chọn là loại nếp ngon, hạt tròn đều, thơm lừng.
Vì muốn thu hút mọi người nên đầu bếp địa phương đã sáng tạo thêm một món ăn kèm đặc biệt với xôi chính là cá kho. Vào ngày rằm hoặc ngày ăn chay, cá kho được thay bằng đậu phụ. Thực khách có thể gọi xôi để ăn cùng đậu hay cháo đậu cũng rất ngon. Nếu như cá kho ăn với xôi tạo nên một hương vị dẻo dẻo, ngậy béo thì đậu phụ là khiến hương vị ấy trở nên lạ lẫm và quyến rũ hơn rất nhiều.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Các món nướng trong lồ ô, điểm thú vị trong ẩm thực nơi đây
Thịt bò được nướng trong ống lồ ô có màu sắc khá đẹp mắt, thịt vẫn được độ dai và thơm. (Ảnh: MiA)
Cây lồ ô là một loại cùng họ với cây tre. Du khách có thể bắt gặp những cánh rừng lồ ô trên nhiều vùng đất thuộc Tây Nguyên, đặc biệt là ở tỉnh Kon Tum. Trong chế biến thực phẩm, lồ ô trở thành dụng cụ bao bọc lấy thức ăn và nướng trên ngọn lửa hồng. Lồ ô được dùng trong nấu ăn đều là những cây được lựa chọn cẩn thận, không quá già cũng không quán non.
Nướng thức ăn trong lồ ô là nghệ thuật nấu ăn đặc trưng của các cộng đồng dân tộc ít người, đặc biệt là người Ba Na. Các loại nguyên liệu nếu như không quá to sẽ được nướng dễ dàng trong ống lồ ô và tạo ra một hương thơm không thể nào cưỡng lại được. Thức ăn được nướng trong ống lồ ô sẽ giữ được mùi thơm khá lâu vì hương vị sẽ được khóa lại trong một không gian khá kín.
Các món nướng trong lồ ô thường giữ được hương vị thơm ngon lâu. (Ảnh: MiA)
Món cơm lam được nướng trong ống lồ ô có vị ngọt, chín dẻo và có mùi thơm đặc trưng quyện theo vị ngọt của ống lồ ô.
Thịt cá nhờ nướng trong ống lồ ô sẽ giữa được đồ mềm mà không quá khô. Cá cũng vì được bảo vệ trong lớp lồ ô nên không quá cháy. Đây là món ăn được nhiều nhà hàng ưu tiên đưa lên thực đơn của mình để phục vụ những thực khách muốn thưởng thức những hương vị dân dã, đồng nội.
Với món bò nướng ống lồ ô, thịt bò là loại thịt mà người Ba Na thường muốn nướng trong ống lồ ô để giữ được hương vị thơm ngon cũng như độ dinh dưỡng trong miếng thịt. Thịt bò được nướng trong lồ ô kết hợp với những loại rau rừng sẽ mang lại hương vị vô cùng thơm ngon và đặc trưng.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Lẩu gà lá sâm là một món ăn nổi tiếng với sức hấp dẫn đến từ mùi thơm và hương vị đặc biệt
Nhận thấy việc vứt bỏ lá sâm thường khá phung phí vì trong lá sâm cũng chứa một hàm lượng dinh dưỡng nhất định, người dân Kon Tum đã quyết định dùng lá sâm trong khâu chế biến thức ăn. (Ảnh: MiA)
Để chế biến được món lẩu gà lá sâm, nguyên liệu đầu tiên phải có chính là một con gà mái tơ với hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều phần thịt và dễ ăn. Gà mái tơ sau khi được sơ chế sạch sẽ đem đi ướp với gia vậy và hầm cùng một số loại nguyên liệu như táo đỏ hay củ sâm dây đã được rửa sạch và thái lát mỏng.
Rau ăn kèm món lẩu này sẽ bao gồm những loại nấm như nấm hương, linh chi và mộc nhĩ. Dĩ nhiên là không thể thiếu lá sâm dây thơm lừng và đầy dinh dưỡng. Chỉ cần nấu nồi lẩu gà đang sôi sùng sục, những lá sâm dây vào trụng sơ, du khách sẽ thưởng thức được dư vị thơm lừng của món ăn trứ danh Kon Tum này.
Món lẩu gà lá sâm có hương thơm khá đặc trưng từ mùi của lá sâm bốc lên nghi ngút. Khi thưởng thức món ăn này, đừng nên ăn vội mà hãy múc ra chén, rồi từ từ tận hưởng hương thơm của lá sâm và nước táo đỏ từ từ lan tỏa đến khứu giác.
Nồi nước dùng của món lẩu thường có độ ngọt từ các nguyên liệu táo đỏ và củ sâm mang lại. Ngoài ra, thịt gà được nấu trong nước dùng tạo nên độ dinh dưỡng cao. Thịt gà không quá dai, dễ ăn cộng hưởng với sự thanh tao từ các vị nấm ăn kèm sẽ tạo nên một món ăn giải nhiệt trong những ngày lễ Tết.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Măng le mang dư vị quê hương của những người con đại ngàn
Măng le Kon Tum là loại măng ngon nhất vùng. Đây là loại măng làm nên những món ngon của vùng mà du khách phải thử trong những dịp du lịch Kon Tum. (Ảnh: MiA)
Măng le Kon Tum là loại măng ngon nhất vùng. Đây là loại măng làm nên những món ngon của vùng mà bạn phải thử trong những dịp du lịch Kon Tum.
Măng le Kon Tum vốn là loại măng ngon tại vùng Tây Nguyên nên bán được với giá thành khá tốt so với các loại măng khác. Măng le Kon Tum thường được bày bán với 3 hình thức khác nhau. Đầu tiên là măng tươi mới đào, chưa luộc. Loại măng này thường được bày bán với giá từ 9.000 - 10.000 VNĐ/kg. Nếu măng đã luộc rồi, giá sẽ nhỉnh hơn chút đỉnh, thường là từ 12.000 đến 13.000 VNĐ/kg. Đó cũng là loại măng thứ hai được bày bán. Loại thứ ba thường đắt hơn nhiều, đó chính là những sợi măng đã được sấy, thường được mọi người biết đến với thương hiệu măng khô Kon Tum.
Bên cạnh đó, măng cũng mang đến cho người dân Kon Tum những ký ức tuổi thơ về món xôi măng trứ danh. Hạt xôi nếp thơm dẻo ăn cùng với những miếng măng xào hơi mằn mặn tạo nên một dư vị khó quên cho mỗi người dân Kon Tum. Nếu lỡ có tha hương, chỉ cần một gói xôi măng thôi là cũng có thể cảm thấy quê nhà đang cạnh bên mà vỗ về.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Món cá chua tuy dân dã, mộc mạc nhưng đầy sức hút và chứa đựng bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số
Khi thưởng thức cá chua Kon Tum, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn của muối, vị cay của tiêu và ớt, vị thơm nhẹ của thính khô cùng vị ngọt bùi của lá bép. (Ảnh: MiA)
Cá chua Kon Tum được chế biến từ loại cá khá lạ trông gần giống như loài cá trôi ở miền đồng bằng nhưng thân dẹp và nhỏ hơn, chỉ sinh sống ở những vùng sông hồ Tây Nguyên. Cá chua Kon Tum được người dân địa phương tẩm ướp kỹ lưỡng với các loại gia vị cần thiết trước khi đem đi bảo quản nên ăn rất đậm đà. So với những món ăn quen thuộc như cá hấp, cá kho… thì cá chua lại mang một hương vị mới lạ, độc đáo và hoàn toàn khác biệt. Nhiều du khách ở nơi xa đến nghe tên món cá chua đều có vẻ rất e dè nhưng cảm giác ấy nhanh chóng biến mất ngay sau khi được thưởng thức.
Theo kinh nghiệm của những đồng bào dân tộc Jẻ Triêng nơi đây, cá chua Kon Tum càng để lâu thì khi ăn sẽ càng ngon và đậm đà. Vì bảo quản lâu thì thịt cá sẽ thấm đều gia vị cũng như săn chắc hơn. Lúc này, cá chua Kon Tum sẽ mang một chút vị mặn của muối, vị cay nồng của tiêu và ớt rừng, vị thơm dịu nhẹ của thính khô cùng vị ngọt bùi của lá bép. Tất cả đều hoà quyện lại với nhau khiến cho miếng cá chua Kon Tum trở nên thơm ngon hơn rất nhiều.
Một điểm đặc sắc của cá chua Kon Tum là sau quá trình gác bếp và lên men thì du khách có thể ăn trực tiếp để thưởng thức trọn vẹn hương vị riêng biệt, độc đáo của món đặc sản dân dã có một không hai này. Chỉ cần bỏ cá ra đĩa rồi thêm một chút rau rừng, chuối xanh, bánh tráng và bát nước chấm tỏi ớt kèm với vài chén rượu Đoác là "tín đồ xê dịch" đã có một bữa ăn khó quên ngay tại mảnh đất Kon Tum này.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Heo Măng Đen quay với hương vị thơm ngon, hấp dẫn dễ dàng chiếm trọn cảm tình của thực khách chỉ sau lần đầu nếm thử
Heo Măng Đen quay là loại heo rẫy do người dân bản địa chăn thả tự nhiên nên da mỏng và thịt rất thơm ngọt, săn chắc. (Ảnh: MiA)
Nằm ở phía Đông Bắc thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen vinh dự là điểm đến hấp dẫn mang đậm những nét hoang sơ, tráng lệ của đại ngàn Tây Nguyên thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến mỗi năm. Trong đó, không thể không nhắc đến heo Măng Đen quay - một món ăn dân dã, quen thuộc nhưng lại có một sức cuốn hút không thể chối từ.
Heo Măng Đen quay của dân tộc bản địa chủ yếu là heo rẫy, tức là loại heo được người dân nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên. Chính vì vậy, heo rẫy thường có da mỏng, rất ít mỡ còn thịt thì thơm ngọt, săn chắc và cực kỳ bổ dưỡng. Heo Măng Đen quay có lớp da khá cứng nên ngày trước người dân thường bỏ đi, tuy nhiên hiện nay nó lại trở thành món đặc sản khó tìm.
Heo luôn luôn được làm sạch lông và mổ lấy nội tạng rồi mới tẩm ướp thêm gia vị là các loại nguyên liệu dân dã như củ nén, gốc mùi, ngò gai, sả, ớt hái lượm trực tiếp ngay tại núi rừng Măng Đen. Heo Măng Đen quay có lớp da vàng ruộm, giòn tan và toả mùi thơm phưng phức chắc chắn sẽ khiến thực khách muốn được thưởng thức ngay lập tức.
Cắn một miếng nhẹ, thực khách sẽ cảm nhận được sự giòn tan, béo ngậy của lớp da và độ mềm, ngọt của thịt heo rẫy vô cùng kích thích vị giác. Đặc biệt, hương vị thơm ngon tự nhiên của thịt Heo Măng Đen quay kết hợp cùng các loại nguyên liệu từ núi rừng Tây Nguyên chắc chắn sẽ làm du khách mê mẩn và để lại nhiều ấn tượng khó quên ngay sau lần nếm thử đầu tiên.
Nếu muốn thưởng thức món heo quay đúng vị thì du khách chỉ cần đi thẳng đến thị trấn Măng Đen thuộc địa phận huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là có thể thấy vô số hàng quán bán món đặc sản này.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Dừng chân thưởng thức món cá niêng nướng than thơm nức mũi
Loài cá này thường chỉ xuất hiện vào thời điểm xuân hè tại các con sông, suối, dưới những cánh rừng già, nhiều ghềnh đá. (Ảnh: MiA)
Cá niêng có vẻ ngoài bóng bẩy, xinh đẹp. Nhìn bề ngoài, cá niêng có phần thân thuôn thuôn, tròn trịa như cá chép. Khi cá niêng vùng vẫy trong làn nước và ánh mặt trời chiếu xuống, vảy của chúng lại ánh lên một vẻ lấp lánh như cá diếc. Vẻ đẹp này khiến mọi người dễ dàng nhận ra khi chúng ở dưới nước.
Đặc biệt đối với những thực khách không thích đồ thủy hải sản vì không ngửi được đồ tanh thì chắc chắn sẽ rất thích thú khi thưởng thức cá niêng. Cá niêng chỉ ăn rêu, rong tảo bám quanh gờ đá nên ruột chúng rất sạch, do đó chúng hoàn toàn không có mùi tanh. Cá niêng có mùi thơm ngọt tinh khiết và có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Trong chuyến du lịch 1 ngày ở Kon Tum vào thời điểm mùa hè, chắc chắn "tín đồ xê dịch" sẽ bắt gặp một cơn mưa rào ở đó. Khi dừng chân tại một căn nhà sàn nhỏ ở Kon Tum, người dân sẽ mời du khách thưởng thức cá nướng.
Cá niêng nướng đặc sản vừa bắt ngoài suối về và được làm sạch ruột. Vì loại cá này có rất nhiều chất dinh dưỡng, thịt thơm, cho nên người nấu không cần phải tầm ướt phức tạp. Khi đó chỉ cần xuyên nguyên thân cá vào thanh tre rừng vớt mỏng là có thể đặt lên bếp than hồng rực đang rực lửa. Khi chín, cá niêng vàng rộp, mỡ chảy xèo xèo, khói bay nghi ngút và tỏa ra mùi thơm cực kỳ hấp dẫn.
Khi thưởng thức cá niêng, thực khách không nên quên chấm muối. Vì khi kết hợp hòa quyện lại với nhau, cá nướng mang đến cho người trải nghiệm vị béo, dai, giòn của thịt, ngọt từ xương và vị đắng của nội tạng cá. Các hương vị này hòa quyện lại với nhau, khiến ai ăn một lần đều phải mê mẩn về nó.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Thịt nhím có hương vị thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe
Thịt nhím Kon Tum xào lăn sả ớt được nhiều thực khách ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon đặc biệt từ hương sả và chút cay của ớt khiến người ăn sẽ phải trầm trồ khen ngon. (Ảnh: MiA)
Thịt nhím được xếp hạng là loài động vật quý hiếm bậc nhất ở nước ta. Chính vì thế, không lý nào một món ăn đến từ loài động vật này lại không kèm theo công dụng tuyệt vời của nó. Thịt nhím Kon Tum rất ngon và ngọt. Những thớ thịt chín sẽ được thái mỏng khoảng 4-5mm. Không những thế, so với heo rừng, thịt nhím nạc và giàu chất đạm hơn rất nhiều. Các món ăn được chế biến từ thịt nhím cực kỳ bổ dưỡng, nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Thịt nhím Kon Tum không những tốt cho sức khỏe mà các món ăn được chế biến từ nó luôn khiến thực khách cảm thấy thích thú. Đối với đồng bào dân tộc thiểu sổ, thịt nhím là món ăn khá quen thuộc đối với họ. Do đó, lúc nào họ cũng muốn gửi đến các vị khách quý của mình món ăn độc đáo này.
Thịt nhím xào lăn sả ớt được nhiều thực khách ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon đặc biệt của món ăn. Thịt khi xào thấm cùng với hương sả và chút cay của ớt khiến người ăn đã phải trầm trồ khen ngon. Để góp phần giúp món thịt nhím xào sả ớt được ngon hơn, mọi người thường ăn kèm với rau thơm, rau sống, cơm hoặc bánh mì.
Món ăn đặc sản ở Kon Tum: Dế chiên là đặc sản nổi tiếng chỉ được thưởng thức vào tháng mùa mưa của năm và mang hơi thở vùng đất Tây Nguyên
Dế chiên Kon Tum được bày bán khá nhiều trên các tuyến phố từ bình dân đến đông đúc hơn một tí. Trong đó, có thể kể đến như đường Bà Triệu, Phan Đình Phùng, Trần Phú. (Ảnh: MiA
Dế chiên Kon Tum là một món ăn đặc sản nổi tiếng ở vùng đất bazan đầy nắng và gió. Bạn chỉ có thể thưởng thức món ăn này khi đặt chân đến tỉnh Kon Tum. Đặc biệt hơn nữa, dế ở khu vực Bắc Tây Nguyên to và thịt ngọt béo hơn các vùng khác. Do đó, mọi người rất thích được thưởng thức món ăn này khi đặt chân đến đây.
Theo kinh nghiệm du lịch của nhiều người cũng như đã từng tưởng thức dế chiên Kon Tum, thực khách nên ghé vào một bờ sông để thưởng thức trọn vẹn được vị ngon của món ăn này. Những con dế bên bờ sông vừa mới được bắt xong, bỏ đi phần gai chân, giữ lại phần đùi béo. Sau đó, phần cánh và đuôi dế cũng được cắt bỏ đi. Trước khi rửa sạch và phơi trên lá chuối, ruột của con dế phải được nặn hết ra và rửa sạch sẽ.
Trong lúc chờ dế ráo nước thì người nấu sẽ đi nhóm bếp. Mọi người thường nhóm bếp trước để lửa than hừng lên. Trong khoảng thời gian đó, nhằm tiết kiệm thời gian, họ sẽ dùng mảnh tre mỏng nhỏ để ghim từng con dế vào với nhau. Một lưu ý đặc biệt là khi chiên nướng, các ghim dế phải được đảo liên tục để tránh bị cháy và vẫn giữ được hương thơm. Khi chín, dế chiên Kon Tum có màu vàng ruộm đẹp mắt và mùi thơm vô cùng hấp dẫn.
Món này thường được ăn kèm với xoài chua, lá càng cua và quả ớt rừng. Sự kết hợp hoàn hảo giữa vị chua, cay và mặn đã giúp hương vị của món ăn càng hoàn thiện hơn. Chỉ cần du khách cắn một miếng thịt dế thôi, hương vị béo ngậy và thơm phức của món ăn sẽ lan tỏa trong khoang miệng của mình. Nếu nhai kĩ thêm một chút, thực khách sẽ cảm nhận được thịt dế lúc này rất giòn và cực kỳ bùi. Hương vị đặc sản của dế chiên Kon Tum không thể lẫn lộn vào đâu được.
Ngoài ra, đối với những "tín đồ ẩm thực" sành ăn món này, thường nêm thêm một ít muối tiêu rừng nữa mới đảm bảo đủ vị. Cũng có nhiều nơi thực khách lựa ăn với tương ớt đỏ và đậu phộng rang giã nhuyễn. Sau khi chấm với tương ớt sẽ lăn một vòng qua chén đậu rang. Khi đưa từng con dế vào miệng để thưởng thức, từ từ thực khách sẽ cảm nhận được độ béo giòn đọng lại nơi cổ họng.
Theo Kiều Anh/Dân Việt