Gánh nặng trên vai người chồng mù
Chúng tôi có dịp ghé đến gia đình ông Trương Minh Quang (70 tuổi) ngụ đường Minh Phụng, phường 2, quận 11, TP.HCM vào một buổi chiều đầu tháng Năm. Hình ảnh một ông già mù, không nhìn thấy ánh sáng, nhưng có một nghị lực sống mạnh mẽ khiến ai biết cũng phải nể phục. Hàng ngày, ông Quang phải mò mẫm hết chỗ này đến chỗ khác bán từng chiếc bánh lấy tiền nuôi người vợ mắc bệnh tim và tiểu đường. Dù cuộc sống muôn phần vất vả nhưng ông chưa một lần than vãn, kêu ca hay bỏ cuộc trước tình cảnh khó khăn ấy.
Ông Quang sinh ra trong một gia đình có bảy anh chị em tại tỉnh Tiền Giang. Năm 9 tuổi, sau một cơn bệnh đậu mùa, vì cuộc sống quá khó khăn không đủ điều kiện để khám chữa bệnh nên biến chứng của bệnh ngày càng nặng làm ông bị mù cả hai mắt. Đến năm 1979, trong một lần đi bán vé số dạo tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, ông tình cờ quen bà Nguyễn Thị Cưu (sinh năm 1947). Có lẽ, giữa họ có một sự đồng cảm nên hai người đã thành vợ thành chồng kể từ đó cho đến nay.
|
Vợ chồng cụ ông ở trong căn phòng chật hẹp. |
Thương vợ và không biết dựa vào ai, năm 1994 ông Quang quyết định cùng vợ lên TP.HCM để mưu sinh. Sống nơi đất khách quê người, thời gian đầu gia đình ông gặp không ít khó khăn. “Lúc tôi bị bệnh, mọi người kể cả người thân ai cũng sợ bị lây nhiễm và truyền bệnh nên họ dần cách ly không hề quan tâm và qua lại với tôi. Mất niềm tin vào cuộc sống, khi thấy những người thân quen nhất của mình đã không còn quan tâm để ý gì đến mình. Nhưng may mắn tôi vẫn luôn nhận được những lời động viên, an ủi từ người vợ thân yêu của mình”, ông Quang nói.
Ông Quang cho biết thêm: “Nỗi đau này chưa qua thì nỗi đau khác lại ập đến. Ông trời cho tôi có con nhưng rồi cũng lấy nó đi trong một lần gặp bạo bệnh. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn dành cho nhau một tình yêu chân thành và cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Hiện tại, vợ chồng tôi rất khó khăn vì phải kiếm tiền trả món nợ lo đám tang cho con trai. Đặc biệt, tôi phải kiếm tiền chữa bệnh cho vợ và trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Tình yêu vượt khó khăn
Bà Cưu là người hiền lành hết mực yêu thương chồng, nhưng vì mắc bệnh tim nên không thể làm được việc nặng, mọi công việc trong gia đình đều một tay người đàn ông mù ấy gánh vác. Sau bao nhiêu năm lặn lội làm đủ thứ nghề nhưng không thành công, ông Quang nghĩ ra cách là cùng vợ làm bánh thửng bán cho người đi đường để kiếm sống. “Mọi cố gắng của tôi cũng vì vợ. Bà ấy thấu hiểu được cảnh cơ cực của gia đình nên rất quý tôi. Động lực để tôi làm việc không biết mệt mỏi chính là vợ”, ông Quang chia sẻ.
Trong khi đó, bà Cưu vợ ông cũng không tiếc những lời khen dành cho người chồng của mình. Bà bảo: “Nếu cho tôi được chọn lại, tôi vẫn chọn ông Quang làm chồng. Là con gái ai cũng muốn sau khi lập gia đình có cuộc sống ổn định. Thế nhưng, có những điều còn quan trọng hơn vật chất đó là tình yêu thương vợ chồng dành cho nhau. Từ ngày cưới ông Quang cho đến nay, tôi chưa một lần được ăn ngon, mặc đẹp, cơm thì bữa đói bữa no. Dù vậy, bằng tình cảm ông Quang dành cho tôi, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào về chồng của mình”.
|
Ông Quang chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình. |
Bà Cưu và ông Quang gặp nhau rồi trở thành vợ chồng như là một định mệnh. Bởi vì, theo như bà nói, ngay từ lần đầu tiên gặp ông, trái tim bà đã rung động. Cũng lần gặp ngoài đường đó, bà có cảm giác đã tìm được người chồng tương lai cho mình rồi. “Lúc bấy giờ, dù có nhiều chàng trai đến tán tỉnh nhưng tôi chẳng màng tới. Với ông Quang thì khác, dù biết ông ấy mù và hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi lại động lòng. Chính tôi là người bày tỏ tình cảm với ông ấy trước. Tôi chưa một lần hối hận khi chọn ông Quang làm chồng”, bà Cưu xúc động nhớ lại.
Giờ đây, nơi đất khách trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 với giá thuê 1 triệu đồng/ tháng, với vợ chồng cụ ông là cả một sự cố gắng. Ở cái tuổi xế chiều, lại bệnh tật, mù lòa, nhưng ông bà vẫn phải nỗ lực kiếm sống bằng sức lao động của mình. Điều gì khiến họ có được động lực phi thường đến như vậy? “Chính nhờ vào tình yêu, sự quan tâm nhau đúng mực giúp họ vượt qua mọi khó khăn”, bà Nguyễn Thị Út (hàng xóm ông Quang) nói.
Đã có những chính sách hỗ trợ
Bà Trần Thị Bạch Lan, cán bộ phụ trách Văn hóa xã hội UBND phường 2 (quận 11) cho biết: “Hiện tại, chính quyền địa phương đã có những chính sách xã hội hỗ trợ đối với gia đình ông Quang. Mỗi tháng vợ chồng ông Quang được hỗ trợ 360 ngàn đồng tiền dành cho người khuyết tật. Chúng tôi sẽ vận động thêm một số đơn vị sự nghiệp để có phần chăm lo tới cuộc sống của hai vợ chồng ông bà được tốt hơn trong thời gian tới”.
Theo Tịnh Đoàn/Người Đưa Tin