Chiều ngày 9/7, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nữ sinh 18 tuổi (thường trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) mắc bệnh bạch hầu, nhập viện ngày 7/7, đã được chuyển về Nghệ An để tiếp tục theo dõi, cách ly.
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn giám sát, hỗ trợ huyện Kỳ Sơn điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm tại các bản Phà Khảo, Piêng Hòm, Phà Khốm (xã Phà Đánh). |
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khi nhập viện, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng của bệnh, diễn tiến tương đối ổn định. Bệnh nhân này may mắn được điều trị kháng sinh sớm để diệt các vi khuẩn bệnh nếu có. Hiện bệnh nhân đủ điều kiện để chuyển về địa phương tiếp tục theo dõi.
Cũng theo Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những năm gần đây, Bệnh viện tiếp nhận rải rác các ca bệnh bạch hầu nặng được chuyển đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nếu so với trước khi chương trình tiêm chủng mở rộng được bao phủ, thì số người mắc bạch hầu và số ca nặng giảm rất nhiều.
Bệnh bạch hầu có thể gây các biến chứng nặng như giả mạc phát triển nhanh, lan xuống đường hô hấp gây bít tắc đường hô hấp, khiến bệnh nhân không thở được hoặc gây sặc. Bệnh cũng có thể gây viêm cơ tim, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, hoặc tổn thương thận, suy thận cấp.
Người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine, hoặc người đã được tiêm vaccine nhưng vaccine không còn hiệu lực bảo vệ.
Do vậy, trẻ em nên được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn đối với người đã được tiêm vaccine, sau thời gian khoảng 10 năm, khi hiệu lực bảo vệ của vaccine giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy cũng nên tiêm nhắc lại.
Người bệnh nghi bị bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.
Người tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: Giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt; người bệnh đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi... Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dùng kháng sinh dự phòng.
Thanh Hà