Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm lên men chứa những vi khuẩn có ích (còn gọi là men vi sinh hay probiotic tự nhiên) mang nhiều lợi ích đối với sức khoẻ con người, trong đó giúp phòng ngừa loãng xương và ung thư đại tràng, giúp chống táo bón… là những bệnh mà người cao tuổi hay mắc. Theo các chuyên gia, để đạt được tác dụng nêu trên thì cần kết hợp nhiều yếu tố.
Những hiệu quả có lợi cho sức khoẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các thực phẩm từ sữa, rau quả, đậu tương, ngũ cốc hay các thực phẩm lên men như dưa chua, sữa chua, pho mát, kim chi, rượu nếp... là thực phẩm bổ sung vi sinh vật probiotic. Trong đó, probiotic là những vi sinh vật sống, khi được cung cấp với liều lượng thích hợp sẽ mang lại những hiệu quả có lợi cho sức khoẻ con người.
Cụ thể, vị chuyên gia này phân tích, vi khuẩn có lợi này ngoài việc giúp giảm một số bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy (do vi khuẩn và kháng sinh thông qua cơ chế kháng và bổ sung vi khuẩn có lợi) hay táo bón, kích thích hệ thống miễn dịch còn có những tác dụng nhất định trong việc giảm cholesterol và ngăn ngừa, chống ung thư. Cơ chế đó được hiểu rằng, vi khuẩn đường ruột sẽ chuyển cholesterol sang dạng khó hấp thu hơn là coprostanol, do đó làm cản trở việc hấp thu cholesterol vào hệ thống ruột, giúp cân bằng mức lipit và cholessterol, giữ cho hệ thống tim mạch được ổn định.
Ngoài ra, vi khuẩn có lợi probiotic kích thích hệ thống miễn dịch, ngăn cản sự tạo thành khối u, làm giảm sinh tổng hợp các enzym liên quan đến các tác nhân gây ung thư như beta glucoronidase, azoreductase, nitroreductarse... ngăn chặn các yếu tố tiền ung thư như nitrate, nitrosamine thông qua cơ chế nội bào và non enzymatic, kích thích sinh tế bào mới, tăng cường chức năng rào cản ngăn chặn tế bào mới tiếp xúc với mầm bệnh. Đặc biệt, chúng còn chống viêm nhiễm hệ thống niệu, sinh dục, chống nấm Cadina thông qua thiết lập cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn chặn sự phát triển và bám dính của bào tử nấm...
Trường hợp khác, vi khuẩn có lợi probiotics có khả năng giúp phòng ngừa loãng xương, phòng ngừa ung thư đại tràng, điều hòa vận động đường tiêu hóa giúp giảm táo bón...
|
Ảnh minh họa. |
Cần kết hợp nhiều yếu tố
Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho hay, về cơ bản vi khuẩn có lợi probiotic có những vai trò trên, nhưng ở tác dụng dự phòng, để đạt hiệu quả nhất định cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố trong đó là những chế độ ăn uống, loại chủng vi khuẩn cũng như số lượng lớn.
Ví dụ, để ngăn ngừa cholesterol ngoài việc sử dụng thực phẩm có bổ sung vi khuẩn probiotic thì cần có các chế độ ăn uống nhiều chất xơ, vitamin, chống oxy hóa, trong đó vitamin E, vitamin C, kẽm, selen... rất quan trọng. Bởi nếu chỉ nghĩ rằng ăn mỗi sữa chua sẽ mong ngăn cholesterol là không cao, vì mỗi hộp sữa chua thông thường (không bổ sung lợi khuẩn) chỉ có một số lượng lợi khuẩn nhất định, không đạt nồng độ cao. Trong khi để phát huy cần con số hàng tỷ con và chủng loại khuẩn phát huy tác dụng tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung thực phẩm an toàn và có bổ sung vi khuẩn có lợi là rất tốt cho sức khoẻ. Để đảm bảo chất lượng vi khuẩn dạng này, nên ăn sản phẩm trên ở nhiệt độ ấm trở xuống, không nên dùng nóng hoặc đã nấu chín vì nhiệt độ cao sẽ làm vi khuẩn bị chết. Ngoài ra, có thể bổ sung lợi khuẩn từ các sản phẩm đã nghiên cứu và được chứng nhận an toàn cho sức khoẻ dưới sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng khi thăm khám cụ thể.
Probiotic tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, như tăng điều khiển đáp ứng miễn dịch tế bào giúp tăng chức năng chống virus của hệ miễn dịch, tăng hoạt động của tế bào NK (natural killer), tiết hoạt chất cytpkinine IFA – gamma tiêu diệt tế bào bị nhiễm khuẩn, gián tiếp chống lại hiện tượng ức chế và tiêu diệt tế bào bạch cầu khi điều trị ung thư bằng chiếu xạ…
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm
Hiền Dung