Các ca bệnh gia tăng, diễn biến phức tạp
Nhiều ngày nay các bậc phụ huynh có con nhỏ vô cùng hoang mang trước thông tin cảnh báo trên mạng xã hội về việc “hàng loạt trẻ nhập viện vì nhiễm virus lạ, không thuốc trị, triệu chứng y hệt cảm sốt”.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Sức khỏe đời sống, PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh - Phó trưởng Khoa Hô hấp (BV Nhi Trung ương) cho biết: Gần đây, có một số trẻ nhiễm virus nhập viện; tuy nhiên, không có gì đặc biệt như thông tin trên mạng xã hội đã đưa. Loại virus gây bệnh là virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) cũng không phải virus lạ.
|
Trẻ nhiễm virus RSV dễ nhầm với biểu hiện cảm sốt thông thường - ảnh Internet |
Virus hợp bào hô hấp RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới hai tuổi. Điều đặc biệt là các triệu chứng của bệnh dễ nhầm với cảm cúm thông thường. Khi nhiễm virus này, một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhóm đối tượng trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có thể phải đối diện với nhiều nguy cơ...
Điển hình của các ca bệnh nhi nhiễm virus RSV thời gian qua là trường hợp bé H.A. (5 tháng tuổi, tỉnh Phú Thọ) đã phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần một tháng với các thiết bị hỗ trợ đường thở. Ban đầu cháu chỉ có biểu hiện ho húng hắng, sổ mũi và sốt cao; nhưng khi đưa vào viện, bệnh nhi ho nhiều, khó thở, rút lõm lồng ngực... Các xét nghiệm và chẩn đoán cho thấy trẻ bị viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ 2 và dương tính với virut RSV.
Tương tự, cháu K.N. (38 ngày tuổi, ở tỉnh Sơn La) cũng phải nhập viện trong tình trạng ho khò khè, tim đập nhanh, tổn thương phổi và độ bão hòa ôxy chỉ còn 88% (độ bão hòa ôxy bình thường từ 96-100%). Bệnh nhi nhanh chóng được thở ôxy, truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở. Kết quả cho thấy bệnh nhi dương tính với virut RSV.
Theo BS. Hanh, trong vòng một tháng trở lại đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số lượng bệnh nhi bị nhiễm virut hợp bào hô hấp RSV gia tăng. Mỗi ngày, chỉ riêng khoa hô hấp đã tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hiện Khoa Hô hấp (BV Nhi Trung ương) đang điều trị nội trú cho gần 20 trẻ bị nhiễm RSV.
Thông thường hàng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, số trẻ bị viêm phổi mới gia tăng. Nhưng năm nay, bệnh đến sớm và có cháu bị biến chứng thành viêm phổi, thậm chí phải thở máy.
“Không chỉ gia tăng mà diễn biến các ca bệnh có chiều hướng phức tạp và nặng hơn. Nguyên nhân có thể do sự biến đổi thời tiết và biến đổi cấu trúc gene của RSV”, BS. Lê Thị Hồng Hanh nhận định.
Virut RSV nguy hiểm thế nào?
Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân, tim bẩm sinh... do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virut tấn công.
Mặt khác, RSV có ái lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa), trường hợp nặng dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.
Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi. Một tỉ lệ nhỏ trẻ bị nhiễm virut hợp bào hô hấp lần đầu tăng nặng thành thở khò khè, dần tiến triển thành dạng nặng là viêm tiểm phế quản, hoặc viêm phổi rất nguy hiểm cho trẻ.
Virus hợp bào hô hấp RSV có khả năng lây lan rất mạnh, lại dễ phát tán trong cộng đồng vì khi trẻ mới nhiễm bệnh nhiều gia đình chủ quan chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường nên không có biện pháp phòng ngừa lây lan.
Đáng tiếc là vẫn chưa có vacxin bảo vệ trẻ khỏi virus này. Vì vậy, để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi... Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý kiểm soát nhiễm khuẩn bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay...
Hiện nay, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin... Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời.
An Lê