Nguy cơ nấm mốc cao hơn asen
Bạn đọc Đinh Thúy Linh (Hà Nội) chia sẻ, thông qua tòa soạn hướng dẫn sử dụng gạo lứt có thể hỗ trợ trong điều trị ung thư. Vì thế, bà đã sử dụng trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên, bà thực sự lo lắng với thông tin dịch từ nước ngoài cho thấy, gạo lứt lại là một trong những yếu tố hiện hữu trong nhà gây ung thư.
Theo đó, khảo sát về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng được Hiệp hội Người tiêu dùng Mỹ tiết lộ: Hàm lượng asen trong gạo lứt đều cao hơn gạo trắng. Asen có thể vô hiệu hóa hệ thống tự sửa chữa DNA trong cơ thể. Theo cách này, DNA một khi bị hư hỏng sẽ khó lòng hồi phục trở lại, dễ đột biến gây ung thư. "Tôi rất lo lắng khi đọc được thông tin này. Không rõ ở Việt Nam, nguy cơ này có hay không?", bà Linh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện Di truyền nông nghiệp, gạo lứt nói riêng hay gạo trắng nói chung thường nhiễm asen thông qua đường nước tưới, đất trồng. Khi đất, nước bị nhiễm asen thì nguy cơ đó cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đến nay ông chưa thấy Việt Nam công bố hàm lượng gạo nhiễm asen cao đến mức ảnh hưởng sức khoẻ. "Các cơ quan chức năng thông qua đây cũng nên kiểm tra thường xuyên hơn để mang đến thông tin chính xác cho người dân", PGS.TS Lê Huy Hàm cho hay.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Chế biến nông sản thực phẩm, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, nguy cơ gạo lứt nhiễm asen về cơ bản không khác gì gạo trắng. Bởi cùng trồng và chăm bón như nhau, khác là ở chỗ có xát trắng hay không. Đến nay thông tin gạo Việt Nam trồng nhiễm asen chưa có. Nhưng nguy cơ nhiễm nấm mốc gây ảnh hưởng sức khoẻ của gạo lứt có thể cao hơn gạo trắng. "Gạo lứt có màu tối, chưa được chú trọng trong bảo quản nên khả năng bị nhiễm mốc cao hơn asen. Khi gạo mốc có thể gây nên nhiều bệnh khác", TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
|
Cần bảo quản gạo lứt trong môi trường lạnh khi dùng hoặc cho vào thùng khô, chống ẩm. |
An toàn trong ngưỡng cho phép
Để làm rõ hơn thông tin một cách khoa học, chúng tôi tìm đến một số nghiên cứu thực tế trong những năm gần đây của các chuyên gia thuộc Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội về liều lượng rủi ro của asen trong gạo. Theo đó, môi trường bị nhiễm kim loại nặng nói chung hay asen nói riêng sẽ thâm nhập vào nước, hấp thụ vào trong cây lương thực, rau quả, động vật, tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm cho con người. Tại các địa điểm hoạt động công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp là một trong những nguồn chủ yếu đưa các chất này vào môi trường.
Các nhà khoa học đã phân tích gạo ở một số vùng như Văn Môn, Yên Phong (Bắc Ninh) và Thạch Sơn, Lâm Thao (Phú Thọ) cho thấy, hàm lượng asen trong gạo của các khu vực này cao hơn gạo ở khu vực bình thường được đối chứng... Tuy nhiên, mức tích lũy vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép. "Theo tính toán chỉ số liều lượng rủi ro của asen từ gạo đối với người dân ăn gạo này cao hơn gạo bình thường. Vì thế, người dân khu vực này cần được cảnh báo. Đồng thời tiến hành nghiên cứu chi tiết hơn và có sự so sánh với gạo các khu vực khác", các nghiên cứu chỉ rõ.
Từ vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thông tin Hiệp hội Người tiêu dùng Mỹ đưa ra chưa cụ thể hoặc được truyền đạt chưa khoa học. Đối với Việt Nam, yếu tố gạo lứt nhiễm asen chưa cao và nó tương đồng với gạo trắng. Người dân vẫn có thể dùng an toàn, không cần lo lắng.
Cần bảo quản gạo lứt trong môi trường lạnh khi dùng hoặc cho vào thùng khô, chống ẩm. Không đổ gạo vào thùng đựng vốn dĩ chứa hóa chất, sơn, keo để tránh thôi nhiễm kim loại nặng, trong đó có asen. Thời gian sử dụng gạo nên trước một tháng.
"Gạo lứt không có tác dụng chữa ung thư mà chỉ có khả năng hỗ trợ chống lại bệnh này. Bởi gạo lứt chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau với tỷ lệ cân đối. Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ chất sẽ tăng sức đề kháng, giúp chống chọi bệnh tật và ung thư".
PGS.TS Lê Huy Hàm
Thu Hiền