Ánh sáng xanh: "Mầm bệnh" trong túi quần
Nhận đủ ánh sáng mặt trời trong ngày là rất quan trọng để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên khi đến giờ thư giãn nghỉ ngơi, việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh có thể ngăn chặn việc sản xuất melatonin và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trong số các bệnh không lây nhiễm, ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới.
Nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau đã được xác định đóng vai trò quan trọng trong việc gây ung thư.
|
Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể làm giảm lượng hormone melatonin, làm gián đoạn nhịp sinh học chi phối cơn buồn ngủ và sự tỉnh táo (Ảnh minh họa). |
Trong xã hội hiện nay, ánh sáng nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến. Nghiên cứu về tác động của ánh sáng vào ban đêm đến sức khỏe con người đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học.
Gần đây, ô nhiễm ánh sáng dưới dạng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm đã được phát hiện là nguyên nhân gây ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể làm giảm lượng hormone melatonin, làm gián đoạn nhịp sinh học chi phối cơn buồn ngủ và sự tỉnh táo.
Đây cũng là hormone được xem là có đặc tính chống ung thư và do đó sự thiếu hụt hormone này sẽ dẫn đến tăng nguy cơ ung thư vú.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Mỹ đã phân loại công việc làm ca đêm, bao gồm việc tiếp xúc với mức độ ánh sáng cao vào ban đêm, có thể gây ung thư.
Điều thực sự ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của bạn nằm ở bước sóng ánh sáng xanh trong khoảng 440-495nm, giống với ánh sáng ban ngày tự nhiên. Cơ thể chúng ta nhạy cảm với ánh sáng xanh có bước sóng 440-495nm hơn 25 lần so với ánh sáng trắng.
Ánh sáng xanh vào ban đêm có thể ngăn chặn sự tiết melatonin và thay đổi nhịp sinh học nhiều hơn so với ánh sáng trắng. Ngoài việc làm gián đoạn bài tiết hormone, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh còn có thể làm xáo trộn thời gian và chất lượng giấc ngủ của bạn, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như trầm cảm và tiểu đường.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Y khoa Harvard và Viện Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson thực hiện, đã khảo sát mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm và nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Qua việc theo dõi hơn 10.000 người trong thời gian dài, nghiên cứu đã phát hiện ra một mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm và nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Cụ thể, những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các nguồn như: điện thoại di động, máy tính, hoặc đèn led vào buổi tối có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người ít tiếp xúc hơn.
Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm như thế nào?
Mặc dù nhiều loại đèn ngày nay có xu hướng giàu ánh sáng xanh nhưng vẫn có nhiều cách để bảo vệ bạn khỏi những tác động tiềm ẩn.
Bạn có thể chọn đèn không có màu xanh vào buổi tối, ngủ trong phòng tối và đặc biệt nên hạn chế tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử như: điện thoại, tivi, máy tính quá nhiều trước khi đi ngủ.
Việc mua rèm cản sáng hoặc rèm che có thể giúp hỗ trợ bạn có được một giấc ngủ ngon chất lượng hơn, đặc biệt nếu bạn nhạy cảm với ánh sáng và muốn tối ưu hóa chất lượng giấc ngủ của mình.
Cũng theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng xanh và nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao đã được nhận thấy ở một số nghiên cứu nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mức độ của mối liên hệ này.
Các yếu tố như tính nhạy cảm do di truyền của từng cá nhân, thời gian tiếp xúc và các yếu tố lối sống khác cũng góp phần vào mối tương tác phức tạp giữa việc tiếp xúc với ánh sáng và sự phát triển ung thư.
Vậy nên mỗi người hãy duy trì cho mình một lối sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kì, để phát hiện sớm những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của bản thân.
Theo Minh Nhật/Dân trí