Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Thùy, liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết răng khôn (hay còn gọi là răng số 8) mọc vào độ tuổi 17-25. Răng khôn mọc ở độ tuổi trưởng thành khi xương hàm đã ngừng phát triển nên thường bị thiếu chỗ, dẫn đến mọc lệch.
Thời gian kéo dài 2-5 năm, nên trong quá trình mọc xuất hiện các đợt sưng, viêm gây đau nhức khó chịu nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng răng khôn mọc lệch
Theo bác sĩ Thùy, việc răng khôn mọc lệch có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm gồm:
Viêm lợi trùm, viêm nhiễm tại chỗ: Niêm mạc tại vùng răng khôn lỏng lẻo, răng khôn lại nằm trong cùng của khoang miệng nên việc vệ sinh thường khó khăn. Lâu ngày, chúng dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng, viêm nướu trùm, áp-xe, cứng hàm.
|
Răng khôn hàm dưới mọc ngầm có thể gây viêm nhiễm, đau nhức do gây kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng sạch sẽ. Ảnh: Dentlotus.
|
Tình trạng trên kéo dài khiến vùng xương xung quanh nó bị phá hủy và còn có thể lan sang răng bên cạnh. Nếu không chữa trị kịp thời, chúng có thể khiến viêm vùng xương hàm nhiễm trùng huyết, viêm màng trong tim, nhiễm trùng sang mang tai, má,…
Sâu răng số 7: Răng khôn mọc khiến thức ăn hay bị dắt vào vị trí tiếp xúc với răng số 7. Nếu vệ sinh không kỹ, lâu ngày, chúng dẫn đến sâu răng 7. Sâu lớn có thể gây ra viêm tủy, đau nhức kéo dài, viêm nhiễm và phải nhổ răng số 7.
U, nang thân răng: Răng khôn khi bị lệch, hướng mọc không thoát ra được, lâu ngày có thể hình thành nang thân răng, phá hủy một phần rất lớn xương hàm, nguy cơ gãy xương này. Nhiều trường hợp phải cắt đoạn xương hàm khiến cho tình trạng rất nặng nề.
Gây rối loạn cảm giác và phản xạ: Nhiều dây thần kinh liên quan tới hàm răng nên khi răng số 8 mọc lệch và ngầm gây chèn ép các dây thần kinh. Việc đó dẫn tới dây thần kinh cảm giác ở môi, da, niêm mạc và răng bị giảm hoặc không có cảm giác. Đặc biệt, chúng có thể gây nên hội chứng giao cảm như đau một bên mặt, phù hoặc đỏ quanh vùng ổ mắt.
Ngoài ra, việc nó mọc lệch và ngầm có thể dẫn tới sự xô đẩy giữa các răng.
|
Nếu không được điều trị kịp thời, răng khôn mọc lệch sẽ gây những biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Nutroo.
|
Khi nào nên nhổ răng khôn?
Bác sĩ Nguyễn Văn Thùy cho hay người dân nên nhổ răng khôn khi ở các trường hợp sau:
- Răng khôn mọc lệch và ngầm gây đau đớn, viêm sưng tấy, sâu răng, hàm răng bị xô đẩy, chen chúc nhau.
- Răng bị mọc lệch không tham gia vào quá trình nhai thức ăn nhưng lại gây trở ngại khi vệ sinh sạch sẽ răng miệng.
- Răng khôn mọc thẳng, không bị cản trở nhưng nhưng không có răng đối diện ăn khớp hoặc có hình dạng bất thường, khó vệ sinh,… có thể gây sâu răng, viêm nha chu về sau.
- Nhổ theo yêu cầu khi cần chỉnh hình răng mặt, phục hình.
"Bạn nên nhổ răng khôn hàm dưới khi mọc ngầm hoặc lệch để tránh những tai biến đau nhức và giúp đơn giản cho công việc hậu phẫu thuật. Khi nhổ răng khôn, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tê hoàn toàn không có cảm giác đau đớn hay bất cứ khó chịu nào. Sau khi hết hiệu lực của thuốc tê, người bệnh sẽ thấy đau nhức một chút tại vị trí nhổ răng, tuy nhiên chỉ cần uống các thuốc giảm đau thông thường sẽ giảm và thấy dễ chịu", bác sĩ Thùy nói.
Theo Phương Anh/Zing