Thịt nấu đông (hay còn gọi là thịt đông) là món ăn quen thuộc trong mâm cơm Tết cổ truyền của người Việt nhất là của các gia đình Bắc Bộ. Những nồi thịt đông với nguyên liệu đơn giản như thịt, chân giò, tai, bì của lợn hoặc thịt gà, ngan được ninh nhừ, hòa quyện với nhau trở thành món ăn nguội hấp dẫn mỗi khi Tết đến, xuân về.
Một đặc trưng nữa của thịt nấu đông là món ăn giàu dinh dưỡng, tiện lợi và bảo quản được lâu, không mất công chế biến nhiều lần cho ngày Tết bận rộn.
Tuy nhiên, do thịt đông nhiều chất đạm và chất béo nên có nhược điểm là dễ khiến nhiều người bị tăng cân, béo phì nếu ăn "thả phanh" không kiểm soát.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo các chuyên gia dinh dưỡng, vì thành phần nấu thịt đông chủ yếu là từ thịt nên có chứa rất nhiều cholesterol xấu. Trong thịt đông còn có nhiều mỡ trắng, không tốt cho những người mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa. Nếu ăn nhiều sẽ khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn. Bên cạnh đó, trẻ em ít vận động ăn nhiều thịt đông cũng có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì.
Cùng với đó, một số cách ăn thịt đông dễ gây hại cho sức khỏe như:
Ăn nhiều cùng với bánh chưng, cơm trắng
Cơm trắng và bánh chưng là những nhóm thực phẩm chứa nhiều tinh bột, trong khi thịt đông chứa nhiều chất béo và đạm. Khi kết hợp chúng với nhau sẽ tạo cảm giác nhanh ngấy, thậm chí đầy bụng khi ăn.
Không những thế, việc tiếp nhận dồn dập quá nhiều các chất dinh dưỡng vào cơ thể một lúc cũng gia tăng khả năng bị tăng cân nhanh chóng sau dịp Tết.
Ăn thịt đông để lâu ngày và bảo quản sai cách
Nhiều gia đình có thói quen nấu thịt đông từ trước Tết vài hôm và bảo quản trong tủ lạnh ăn dần trong Tết. Điều này hoàn toàn bình thường nếu biết cách bảo quản đúng và sử dụng trong vòng 5-7 ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, không ít người lấy thịt đông ra để thưởng thức nhưng lại để bên ngoài quá lâu, thậm chí cả ngày trên mâm cơm. Điều này khiến món ăn dễ bị vi khuẩn tấn công gây ôi thiu dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa khi ăn, thậm chí gây ngộ độc.
Ăn thịt đông đúng cách
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để vừa giúp ăn thịt đông không bị ngán vừa giúp tiêu hóa thịt đông tốt hơn, hạn chế tối đa nguy cơ tăng cân, nên ăn thịt đông kèm nhiều rau xanh hoặc có thể ăn kèm dưa, hành muối
Cách ăn thịt đông kiểu này giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, không gây cảm giác nặng bụng và khó chịu khi nạp quá nhiều chất đạm và béo vào cơ thể.
Bên cạnh đó, sau bữa ăn, chúng ta thường ăn hoa quả tráng miệng. Hãy tận dụng ăn nhiều trái cây ít đường sau khi dùng bữa có thịt đông sẽ giúp hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.
Một số loại hoa quả có khả năng hấp thu chất béo từ thịt đông là mận, táo, đu đủ vì rất giàu chất xơ, vitamin C và axit tự nhiên giúp thúc đẩy chuyển hóa chất béo và protein trong thức ăn chúng ta vừa tiêu thụ trước đó.
Hạn chế ăn thịt đông với cơm trắng hoặc có ăn nên ăn với lượng vừa phải.
Lưu ý:
Thịt đông khi nấu xong, để ngoài cho nguội rồi nên bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh. Chú ý đậy nắp hộp cẩn thận, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh ngày Tết.
Mỗi lần ăn, nên lấy ra lượng vừa đủ và ăn hết, tránh ôi thiu gây ngộ độc. Chỉ bảo quản thịt đông trong ngăn mát không quá 1 tuần. Những người béo phì, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa nên hạn chế ăn để bảo vệ sức khỏe.
Theo Anh Khôi/Gia đình & Xã hội