Hiện nay, một đôi môi đẹp, gợi cảm, hợp mốt là điều mà nhiều chị em phụ nữ khao khát. Tại nhiều diễn đàn làm đẹp, những lời quảng cáo “có cánh” khiến nhiều chị em tin rằng, chỉ sau 5 - 10 phút, bơm môi bằng chất filler đã có thể như một phép màu khiến bạn có bờ môi quyến rũ. Tuy nhiên, thực tế đã có khá nhiều trường hợp phải gánh hậu quả do làm đẹp tại các cơ sở "chui".
Liên quan vụ việc Yanhee Spa Clinic nghi làm hoại tử môi khách như Kiến Thức đưa tin là một ví dụ. Sau khi bơm chất làm đầy tại cơ sở thẩm mỹ "chui" Yanhee Spa Clinic (tại số 2B, ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội), H. có dấu hiệu bất thường như đau, sưng đỏ... cuối cùng phải nhập viện do môi bị viêm nhiễm, chảy mủ.
|
Nạn nhân của việc bơm môi bằng chất filler.
|
Trao đổi Kiến Thức, PGS. TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện đa khoa Xanh pôn cho biết: “Thủ thuật dùng chất làm đầy (filler) không phải là một phương pháp mới, nhưng thời gian gần đây, được nhiều người biết đến và ưa chuộng và tiến hành bơm vào mũi, môi, cằm….. Đây chỉ là chất hỗ trợ thêm, giúp hoàn thiện và hợp lí hơn những bộ phận còn chưa hài lòng của cơ thể. Giá của việc bơm các chất làm đầy này không hề rẻ hơn phẫu thuật, mỗi lần, phải tiêm khoảng 3cc, tức là khoảng 18 - 20 triệu đồng”.
|
PGS. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh pôn
|
Cũng theo PGS Sơn, với việc bơm môi ở các spa nhỏ lẻ của các chị em mà báo chí đưa tin, cần xác định chất được tiêm vào là chất gì?
Đồng quan điểm này, Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thị Việt Dung - Giảng viên bộ môn Phẫu Thuật Tạo Hình, Trường Đại học Y Hà Nội lý giải: “Các chất làm đầy đã được cấp phép về bản chất giống các chất có trong cơ thể người nên khả năng tương thích sinh học cao, hiếm khi gây thải loại và các phản ứng. Tuy nhiên, phản ứng nguy hiểm nhất vẫn là việc tiêm các chất này vào mạch máu, có thể chi phối một vùng, gây tắc mạch máu, khiến chỗ tiêm bầm tím, lâu dần có thể bị hoại tử môi sau khi bơm bằng chất filler”.
Cũng theo các chuyên gia thẩm mỹ, tại nhiều thẩm mỹ viện “chui”, vẫn tồn tại việc sử dụng những chất bơm môi rẻ tiền, không được cấp phép và không ai có thể quản lý được chất lượng. Những chất trôi nổi này có thể làm gia tăng các biến chứng nặng sau bơm môi như: làm cho chỗ tiêm sưng đỏ, vón cục, hoại tử như trường hợp của cô gái nói trên, thậm chí tồn tại trong cơ thể và gây ung thư.
Đại tá, TS Nguyễn Thị Minh, Nguyên trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình, BV Quân Y TW 108 đưa ra lời khuyên: “Các chị em khi muốn làm đẹp nói chung và làm đẹp môi nói riêng thì cần hết sức chú ý. Đừng vì cái đẹp trước mắt mà tiền mất tật mang. Cần tìm hiểu kĩ thông tin về thẩm mỹ viện nơi mình định làm phẫu thuật, phải là những nơi được cấp phép, có kinh nghiệm, uy tín. Đồng thời cần theo dõi chẽ các dấu hiệu sau khi làm đẹp để có thể có những can thiệp kịp thời nếu không may xuất hiện các biến chứng, tránh hậu quả đáng tiếc”.
Mời độc giả xem Video: Cô gái tự phẫu thuật thẩm mỹ thu hút hàng triệu lượt xem:
Hồng Nhung