Triệt từ gốc
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, có 2 loại đổ mồ hôi, một loại do thời tiết nóng bức khiến cơ thể đổ mồ hôi để giải nhiệt, một loại khác do bệnh lý nghĩa là có thể đổ mồ hôi bất cứ lúc nào dù trời nóng hay lạnh. Với loại đổ mồ hôi bệnh lý cần phải đi khám và sử dụng các loại thuốc đặc trị theo đơn của bác sĩ, còn đối với loại đổ mồ hôi do thời tiết thì việc "chữa trị" dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải ai thực hiện việc này cũng đúng.
Nhiều người cứ hễ thấy mồ hôi thì lao vào nhà tắm, dội vài gáo nước lạnh cho mát. Có người sau đó còn ra ngồi trước quạt và cho rằng thấy khoan khoái vì cảm giác mát lạnh. Thực tế, khi mồ hôi ra nhiều không nên đi tắm ngay vì lỗ chân lông đang nở to để thoát mồ hôi, gặp nước lạnh sẽ bị bít lại đột ngột, dễ gây cảm. Tốt nhất khi mồ hôi ra nhiều thì nên ngồi ở chỗ thoáng, lấy khăn lau hết mồ hôi, sau khoảng 5 - 10 phút ráo mồ hôi thì mới đi tắm (dù là ngày hè cũng nên tắm bằng nước ấm). Đối với những người quen tắm nước lạnh thì cũng nên để cơ thể làm quen dần với nhiệt độ nước bằng cách dội dần từ chân lên.
Để giảm việc toát mồ hôi của cơ thể, nhiều người áp dụng các biện pháp dân gian như tắm bằng bạc hà, gừng, mật ong... (khoảng 1 - 2 lần/tuần). Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung, cách này chỉ giúp làm mát cơ thể tạm thời chứ không thể giải được cái nóng bên trong của của cơ thể. Để tránh mồ hôi túa ra vào mùa hè, tốt nhất phải giải được cái nóng bên trong của cơ thể bằng cách ăn những loại thực phẩm mát, thanh nhiệt như bí đao, mướp đắng... tránh ăn những đồ ăn nóng. Khi mồ hôi ra nhiều cần nhanh chóng uống nước để bù nước.
|
Thuốc trị mùi chỉ giúp làm giảm mùi cho cơ thể chứ không thể giúp trị mùi tận gốc. |
Nguy cơ nấm da
Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phòng khám Da liễu Beauty Clinic cho biết, nhiệt độ nóng làm cơ thể phải tiết ra nhiều mồ hôi để giảm nhiệt. Vì thế, cái quan trọng là giải nhiệt bên trong, ngoài ra môi trường sống và làm việc phải đảm bảo mát mẻ để tránh cơ thể toát mồ hôi nhiều. Trong trường hợp mồ hôi ra nhiều cần phải áp dụng biện pháp vệ sinh cá nhân tại chỗ. Thực tế, khi mồ hôi ra đồng nghĩa sẽ giữ lại trên da hơi ẩm cộng thêm với bụi bẩn, đây sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, các loại vi sinh vật bám dính gây ra các bệnh ngoài da mùa hè như lang ben, hắc lào, nấm tóc, nấm da... Vì vậy, phương án hữu hiệu là vệ sinh tại chỗ, trước hết hãy tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, mặc quần áo thoáng mát để tránh cơ thể toát mồ hôi. Khi mồ hôi ra nhiều nên lau rửa sạch ngay, thậm chí có thể thay quần áo.
Cũng theo ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, ngoài thị trường hiện xuất hiện nhiều loại thuốc trị mùi hôi cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc trị mùi này cần lưu ý, thuốc trị mùi chỉ giúp làm giảm mùi cho cơ thể, tạm thời làm mất mùi trong chốc lát chứ không thể giúp trị mùi tận gốc. Ngoài ra, thực tế đã cho thấy, sau khi sử dụng thuốc trị mùi một số người có biểu hiện bị dị ứng da như ngứa, sần... Vì thế, không nên quá lạm dụng các loại thuốc khử mùi, nhất là đối với những trường hợp nách bị hôi. Việc lạm dụng các sản phẩm trị mùi hôi cũng như sử dụng không đúng cách có thể làm gia tăng bệnh. Vì thế, trong trường hợp sử dụng sản phẩm trị mùi cần tìm hiểu kỹ để tránh tình trạng dị ứng, khi có biểu hiện dị ứng cần dừng ngay sản phẩm lại.
Nếu thấy mồ hôi ra nhiều ướt đẫm áo thì nên thay bằng bộ quần áo khác. Việc thay quần áo sẽ giúp mồ hôi không thấm vào cơ thể gây cảm lạnh hoặc có thể gây ra mùi khó chịu cho cơ thể, thậm chí là gây ra những bệnh ngoài da.
Lương y Vũ Quốc Trung
Đức Anh