Theo VTV, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) vừa công bố phát hiện hợp chất tự nhiên silybin, được chiết xuất từ dược liệu truyền thống, có khả năng ức chế sự phát triển của ung thư gan thông qua cơ chế can thiệp vào quá trình vận chuyển lactate - một chất chuyển hóa quan trọng giúp nuôi dưỡng tế bào ung thư.
Lactate là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào ung thư. Khác với tế bào bình thường, tế bào ung thư có thể sản sinh lactate ngay cả trong điều kiện đầy đủ oxy (hiện tượng Warburg).
Lượng lactate dư thừa không chỉ hỗ trợ sự phát triển và di căn của khối u mà còn làm suy yếu hoạt động của hệ miễn dịch.
Để kiểm soát nồng độ lactate nội bào, tế bào ung thư sử dụng một kênh vận chuyển gọi là MCT1 (Monocarboxylate Transporter 1) nhằm đẩy lactate ra ngoài, đồng thời cung cấp nguồn năng lượng cho các tế bào ung thư lân cận.
Thông qua phân tích cấu trúc và hoạt tính sinh học của MCT1, các nhà nghiên cứu đã phát hiện các vị trí tương tác then chốt giữa các axit amin trong quá trình vận chuyển lactate.
Từ đó, họ đã sàng lọc và xác định silybin – một flavonolignan có trong cây kế sữa – có khả năng gắn vào vị trí hoạt động của MCT1, từ đó làm gián đoạn chức năng vận chuyển lactate.
Sử dụng silybin để ức chế MCT1, khiến lactate bị tích tụ nội bào, làm rối loạn môi trường chuyển hóa bên trong tế bào ung thư và cuối cùng dẫn đến sự ức chế ngăn chặn tế bào ung thư sinh sôi.
Kết quả từ các mô hình nuôi cấy tế bào và thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật cho thấy silybin có hiệu quả rõ rệt trong việc làm chậm sự phát triển của khối u gan.
Đây là tín hiệu tích cực cho việc phát triển các liệu pháp điều trị ung thư dựa trên can thiệp chuyển hóa.
Giáo sư Diệp Thắng – chủ nhiệm nghiên cứu chia sẻ: "Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ làm sáng tỏ vai trò của MCT1 trong sinh học ung thư mà còn mở ra hướng đi mới trong việc phát triển thuốc chống ung thư từ nguồn gốc tự nhiên. Silybin có tiềm năng trở thành một phần trong các phác đồ điều trị ung thư gan trong tương lai".
Nghiên cứu này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm các phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu cá thể hóa điều trị ngày càng cao.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty images |
Trước đó, Vietnamplus cũng đã đưa tin, giáo sư Shinji Tanaka cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học Tokyo (Nhật Bản) đã phát hiện một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho ung thư gan ác tính, kết hợp 2 loại thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hepatology của Hiệp hội Bệnh gan Mỹ cho biết một loại thuốc được sử dụng để phá vỡ "hàng rào" do tế bào mạch máu tạo ra quanh khối u, trong khi loại thuốc còn lại kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư.
Các thí nghiệm trên động vật đã cho thấy kết quả khả quan và nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục phát triển phương pháp này để kiểm tra hiệu quả điều trị trên bệnh nhân.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học Tokyo đã phân tích hơn 700 mẫu mô ung thư gan từ bệnh nhân và 30.000 tế bào ung thư để nghiên cứu đặc điểm của ung thư ác tính. Họ phát hiện ra rằng nhiều trường hợp ung thư gan ác tính có đột biến ở các gene như p53 và MYC. Những đột biến này khi xuất hiện trên mô hình ung thư ở chuột đã tạo ra lớp hàng rào mạch máu và giúp tránh khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch.
Dựa trên cơ chế này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kết hợp thuốc Lenvatinib, một loại thuốc ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới, với thuốc miễn dịch PD-1. Kết quả cho thấy khi sử dụng kết hợp hai loại thuốc này, khối u đã giảm kích thước một cách đáng kể, gần như biến mất. Ngược lại, khi dùng từng loại thuốc một, hiệu quả điều trị gần như không đáng kể.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát triển công nghệ để phân biệt chính xác khối u ác tính và lành tính. Họ đã phân tích hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của bệnh nhân ung thư gan và phát hiện rằng có thể dự đoán chính xác ung thư ác tính thông qua việc quan sát đặc điểm mạch máu trong khối u.
Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng với các loại thuốc tương tự đang được tiến hành trên toàn cầu, hầu hết chúng áp dụng cho cả khối u ác tính và lành tính.
Hiện nay, thuốc miễn dịch chỉ hiệu quả với khoảng 30% bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu toàn cầu đang tìm cách cải thiện tỷ lệ này, đặc biệt là đối với những khối u khó điều trị bằng thuốc miễn dịch.
Một số loại ung thư, trong đó có cả ung thư vú, có cấu trúc tương tự như ung thư gan ác tính, nên kết quả nghiên cứu này có thể mở ra cơ hội điều trị cho các loại ung thư khác trong tương lai.