CA BỆNH 671 (BN671): Bệnh nhân nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Là bệnh nhân khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, là F1 của BN524.
CA BỆNH 672 (BN672): Bệnh nhân nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Bệnh nhân là người chăm sóc người thân tại Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng, là F1 của BN469.
Tổng số ca mắc: 672 ca
- Tính đến 6h ngày 05/8: Việt Nam, có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19, trong đó 308 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: ghi nhận 224 ca.
- Tính từ 18h ngày 4/8 đến 6h ngày 5/8: ghi nhận 2 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 120.041, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.565
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.645
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 97.831
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị -Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 378/672 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 56,4% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.
Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Tính đến sáng ngày 5/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 31 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 253 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Số trường hợp tử vong: 08 ca
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 4/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do lượng người giao lưu, đi lại giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nhiều nên diễn biến dịch bệnh tại Quảng Nam khá phức tạp.
Số ca mắc tại địa phương ngày càng tăng, có sự lây nhiễm nhanh trong gia đình, điển hình như chùm ca bệnh 7 người trong cùng một nhà. Hiện Bộ Y tế và các bộ, ngành tiếp tục tăng cường chi viện nhân lực cho Đà Nẵng và Quảng Nam.
Hiện Bộ Y tế đang áp dụng tất cả các biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình; thực hiện việc mở rộng xét nghiệm và giám sát trong cộng đồng; cương quyết cách ly tập trung các ca F1; tăng tốc xét nghiệm. Cụ thể, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ lấy 50.000 mẫu xét nghiệm kháng thể tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, căn cứ trên xét nghiệm các mắc và qua điều tra dịch tễ, có thể thấy số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều.
Đến thời điểm hiện tại, mới phát hiện 6 ca cộng đồng, hiện chưa có các trường hợp nào bị lây từ các bệnh nhân này. Về cơ bản tất cả các ca đều liên quan đến khối 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Các trường hợp lây nhiễm chủ yếu liên quan đến 3 bệnh viện này.
Đến thời điểm hiện tại, qua xét nghiệm ở thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, trừ các ca liên quan đến Đà Nẵng. Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.
Đánh giá về thời điểm khởi phát dịch bệnh, Nhóm phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ cho biết, mô hình dự đoán dựa trên các dữ liệu về số lượng người ra vào Bệnh viện Đà Nẵng, hệ số lây nhiễm,… đối chiếu với diễn biến thực tiễn và thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, có thể nói dịch bắt đầu từ tuần đầu tháng 7.
Ổ dịch cơ bản tập trung vào khu 3 bệnh viện, đã được phong tỏa,…
PV