Tôi năm nay 27 tuổi, mới cưới vợ không lâu. Sau khi có vợ, ra sống riêng, cuộc sống của tôi như thay đổi hoàn toàn. Bởi vợ tôi giống như nhiều phụ nữ hiện đại khác, mong muốn vợ chồng bình đẳng trên mọi phương diện.
Từ bé, hai anh em tôi chỉ ăn, học và chơi, không phải động tay động chân vào việc gì trong nhà. Bố bảo: "Đàn ông rửa bát, quét nhà trông hèn người đi".
Ở nhà tôi, kinh tế do bố gánh vác, mẹ ở nhà làm nội trợ, nuôi dạy con cái. Việc ngoài xã hội là của bố, việc trong nhà là của mẹ. Có lẽ vì trong nhà đã thiết lập nhiệm vụ rõ ràng nên bố mẹ tôi hiếm khi có bất đồng, cãi vã.
Anh trai tôi lấy vợ, ra riêng. Trong nhà, việc gì cũng đến tay chị dâu. Nhiều lần tôi thấy chị dâu than phiền với mẹ chồng rằng, chồng vô tâm, lười biếng, không chịu chia sẻ việc nhà với vợ.
Mẹ tôi nghe xong, không biết nói với con dâu thế nào. Vốn dĩ anh trai tôi không phải không muốn làm, mà là không biết làm. Tôi cũng giống như anh vậy.
Khi có bạn gái, mỗi lần đến nhà cô ấy chơi, tôi thấy khung cảnh hoàn toàn khác. Mỗi lúc có việc gì, cả nhà cùng nhau làm, từ dọn nhà, nấu ăn, rửa bát... Bố và em trai cô ấy cũng không ngoại lệ. Thậm chí, họ còn là những "chân sai vặt" tích cực cho mẹ cô ấy.
|
Vợ tôi khăng khăng mình không sai sau khi "trả treo" khiến bố chồng tức giận (Ảnh minh họa: Freepik). |
Khi ấy, tôi thấy mình thật thừa thãi. Tôi kể cho bạn gái nghe tình hình ở nhà mình. Nghe xong, cô ấy kéo tôi vào làm với giọng dứt khoát: "Nếu anh yêu em, muốn lấy em thì anh phải thay đổi".
Sau khi cưới, bố mẹ muốn vợ chồng tôi sống cùng. Nhưng vì đã thỏa thuận với vợ trước khi cưới, chúng tôi thuê căn hộ sống riêng. Vợ tôi lo lắng sống chung không thể hợp với nếp ăn, nếp ở của nhà chồng.
Vì không quen làm việc nhà, tôi làm gì vợ cũng đều phải làm lại. Tôi lau nhà không sạch, rửa để bát vỡ, nấu ăn rất khó nuốt. Vợ động viên tôi, cái gì cũng phải học, từ từ sẽ biết.
Cô ấy bảo, một mình cô ấy cũng làm được. Nhưng vợ chồng nên chia sẻ từ việc lớn tới việc nhỏ. Đó không chỉ là cách thể hiện tình yêu thương với bạn đời, mà còn là trách nhiệm với gia đình. Tôi thấy vợ nói có lý.
Vài hôm trước, bố tôi có việc đi ngang qua nhà tôi nên ghé vào. Vừa bước tới cửa, thấy tôi hì hục lau dọn, bố rất khó chịu. Ông ngồi xuống ghế nói lớn: "Nhà có đàn bà mà đàn ông phải làm mấy việc vặt vãnh này à? Thế lấy vợ làm gì?".
Vợ tôi ở dưới bếp, nghe tiếng bố chồng liền đi lên. Sau khi chào hỏi, cô ấy nói: "Anh ấy đi làm kiếm tiền, con cũng vậy. Về nhà, con nấu cơm, anh ấy dọn nhà. Vợ chồng chia sẻ việc nhà là bình thường mà bố".
Lời nói của vợ tôi rất nhẹ nhàng, nhưng đó không phải là điều bố tôi muốn nghe. Thế nên ông nổi cáu, bảo về khoản nữ công gia chánh nên học hỏi mẹ chồng. Trong nhà, muốn êm ấm phải có trên có dưới, có cao có thấp.
Biết tính bố gia trưởng, tôi nháy mắt ra hiệu vợ im lặng. Vợ nhìn thấy nhưng cố tình phớt lờ, thái độ bắt đầu nóng nảy: "Nhà bố mẹ khác, nhà con khác. Ở nhà con, vợ chồng bình đẳng, không có chuyện chồng như ông chủ, vợ như osin đâu ạ".
Vợ tôi vừa dứt lời, mặt bố đỏ bừng lên. Trước khi rời khỏi nhà, ông mắng thẳng vào mặt tôi, bảo tôi không dạy vợ, trước sau gì cũng để vợ leo lên đầu lên cổ.
Sau khi bố về, vợ chồng tôi cãi nhau. Tôi cho rằng, vợ không nên có thái độ đó với bố chồng. Dù bố đúng hay bố sai, cô ấy chỉ cần im lặng, đâu ai bắt cô ấy phải sống theo cách bố chồng muốn.
Nhưng vợ tôi nói muốn rõ ràng quan điểm một lần, sau này bố chồng khỏi can thiệp vào nếp sống của gia đình con cái. Cô ấy cho rằng, thời đại giờ khác rồi, không phải ai cũng có thể sống như mẹ tôi.
Ngay cả chị dâu tôi cũng suốt ngày chán nản, than phiền. Nếu tôi sống theo lề thói ấy, gia đình trước sau gì cũng tan nát.
Tôi đồng ý với vợ, nhưng chuyện gì ra chuyện đó. Việc vợ tôi "trả treo" khiến bố chồng giận là không nên. Tôi muốn vợ sang nhà xin lỗi bố vì đã có thái độ không tốt nhưng cô ấy cho rằng, mình không sai.
Chưa nói đến sai hay đúng, việc con xin lỗi bố có gì mà khó? Trong khi chỉ cần cô ấy mở lời, mọi thứ sẽ được xoa dịu, tôi cũng không bị mang tiếng "không biết dạy vợ".
Theo mọi người, vợ tôi cư xử với bố chồng như vậy có sai không?
Theo Giang Hà/Dân Trí