Sản phụ mang thai 8 tháng mắc bệnh bạch hầu
Sáng 6/8, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn huyện Mường Lát, Thanh Hóa mới phát hiện một bệnh nhân mắc bạch hầu, hiện công tác truy vết, khoanh vùng, khử khuẩn đang được các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân được xác định mắc bệnh bạch hầu là chị P.L.M. (SN 2007, trú tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát).
Theo đó, ngày 5/8, CDC tỉnh Thanh Hóa nhận được thông tin từ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá về 1 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại khoa. CDC đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả nhuộm soi có hình ảnh vi khuẩn bạch hầu và kết quả nuôi cấy (+).
Đồng thời CDC cử tổ công tác lên phối hợp với Trung tâm y tế huyện Mường Lát tiến hành điều tra dịch tễ của bệnh nhân tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, ngày 1/8 bệnh nhân có biểu hiện đau rát họng, ở nhà dùng thuốc không đỡ. Ngày 4/8 bệnh nhân đến phòng khám tư nhân và được tư vấn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cùng ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt vướng, niêm mạc họng đỏ xung huyết. Amydan 2 bên sưng nề đỏ, có nhiều giả mạc trắng bám trên bề mặt amydan.
Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và được chuyển lên Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cùng ngày.
Tại đây, kết quả thăm khám bệnh nhân có các triệu chứng như: Đau rát họng, không sốt, không ho, không khó thở; vùng lưỡi gà và thành sau họng có nhiều giả mạc màu trắng ngà, bóng, dai, dính chặt; kết quả nhuộm soi hình ảnh vi khuẩn bạch hầu; kết quả nuôi cấy (+). Bệnh nhân được chẩn đoán là bạch hầu và đang mang thai 8 tháng.
Trong vòng 14 ngày trước khởi phát bệnh nhân không đi đâu ra khỏi địa phương; gia đình không ai mắc bệnh giống bệnh nhân, không rõ tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
Đến chiều ngày 5/8, đoàn giám sát phát hiện thêm 04 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân có biểu hiện đau họng và 15 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân. Đến thời điểm này chưa ghi nhận bệnh nhân mắc mới.
Cơ quan chức năng đang khẩn trương truy vết, cách ly những người liên quan - Ảnh CDC cung cấp
Ổ dịch diễn biến phức tạp
Báo cáo của CDC tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, ổ dịch tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, diễn biến phức tạp do phát hiện ca bệnh không rõ nguồn lây. Kết quả tiêm chủng vaccine đầy đủ các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 và khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu; nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bùng phát dịch.
Hiện CDC Thanh Hóa đang phối hợp với Trung tâm y tế huyện Mường Lát thực hiện giám sát, điều tra dịch tễ; tiến hành điều tra, giám sát và lập danh sách các trường hợp F1.
Cùng với đó hướng dẫn xử lý môi trường bằng Chloramin B với nồng độ 0,1% Clo hoạt tính tại khu vực nhà bệnh nhân và các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ F1 để gửi nhuộm soi tại CDC Thanh Hóa và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để làm xét nghiệm chẩn đoán.
Vận chuyển các trường hợp nghi ngờ đến bệnh viện đa khoa huyện để cách ly, điều trị, đối với các trường hợp F1 cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khoẻ trong vòng 14 ngày các kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.
Thông tin thêm về bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh nhân P.L.M. mắc bệnh bạch hầu đơn vị đã làm báo cáo nhanh về ca bệnh gửi Sở Y tế, đồng thời chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, có thể có ho, sốt, viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, chán ăn, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng thường có giả mạc (hay còn gọi là màng viêm) màu trắng ở hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Trường hợp nặng có thể người bệnh có các biểu hiện sưng to cổ, khó thở, biến chứng viêm cơ tim gây biến chứng nguy hiểm và tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa khuyến cáo các biện pháp sau:
- Tiêm chủng vaccine bạch hầu cho: trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ chuẩn bị manng thai, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu…
- Nên rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Không gian sống cần được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, rửa sàn nhà, quần áo, chăn mền, các đồ dùng…
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Thúy Nga