“Thần dược” trị đầy bụng, khó tiêu ngày Tết

Google News

Đầy bụng, khó tiêu rất hay gặp ngày Tết. Nếu không kèm triệu chứng sốt hay tiêu chảy, bạn có thể tận dụng “thần dược” có sẵn trong bếp này để ổn định sức khỏe.

Tết là dịp mọi người quây quần, ăn uống bên nhau. Những bữa ăn thịnh soạn, nhiều tinh bột, đạm, dầu mỡ song ít chất xơ dễ khiến thực phẩm tồn lưu, không được hấp thu dẫn đến sinh hơi, đầy bụng.
Đối diện tình trạng này, bạn sẽ có cảm giác nặng nề, ợ hơi, buồn nôn, lạnh vùng quanh rốn hoặc thượng vị. Trường hợp đầy bụng, khó tiêu không kèm triệu chứng sốt, tiêu chảy, bạn hoàn toàn có thể tận dụng gừng trong bếp để khắc phục tại nhà.
Theo Y học cổ truyền, gừng được gọi là Sinh khương, có vị cay, tính ấm, mang lại tác dụng ôn trung tán hàn, thông mạch, ôn phế, hóa ẩm. Gừng điều trị hiệu quả chứng ăn không tiêu, nôn mửa, đau lạnh vùng bụng.
“Than duoc” tri day bung, kho tieu ngay Tet
 Dùng gừng để điều trị đầy bụng, khó tiêu, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả chỉ sau thời gian ngắn. Ảnh: Livestrong.
Y học hiện đại cũng đánh giá cao tác dụng ngăn ngừa, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa của gừng. Cụ thể, gừng chứa lượng lớn dầu dễ bay hơi và gingerol, có thể thúc đẩy tiết dịch vị, tăng nhu động đường tiêu hóa, làm ấm dạ dày, giảm nôn mửa, đánh thức lá lách và ăn ngon miệng.
Để trị đầy hơi, khó tiêu, cách đơn giản nhất là bạn ăn gừng tươi chấm muối. Chỉ cần dùng 4-5 lát gừng là bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt sau 10 phút.
Nếu không thích vị cay nồng của gừng, bạn có thể kết hợp gừng với mật ong và nước ấm. Hỗn hợp này phát huy tác dụng điều trị đầy hơi, khó tiêu của gừng, khả năng tăng cường sức khỏe dạ dày, lá lách của mật ong. Đặc biệt, vị ngọt của mật góp phần giảm tính cay nồng của gừng, thích hợp với người tỳ vị hư nhược.
Để dùng gừng trị đầy hơi, khó tiêu hiệu quả, Trung tâm Y tế Đại học Maryland khuyến nghị người lớn nên dùng 2-4g gừng tươi hoặc 0,25-1g bột gừng mỗi ngày.
Tuy nhiên, gừng chứa thành phần gây loãng máu, bạn nên thận trọng nếu đang sử dụng các loại thuốc có khả năng gây loãng máu như warfarin hoặc aspirin. Trường hợp mắc bệnh dạ dày, huyết áp cao, người mang thai cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Mời độc giả xem thêm video: Món ăn bài thuốc từ cây Sa kê (Nguồn video: Vui sống mỗi ngày)

Định Tâm (Th)