Mỗi chúng ta ai cũng có nhu cầu làm đẹp, người ít tiền thì làm kiểu ít tiền, người nhiều tiền thì làm đẹp kiểu nhiều tiền và ai cũng có thể trở thành nhân viên, kỹ thuật viên thẩm mỹ. Chỉ cần bỏ thời gian 1,2 tháng hoặc có loại hình chỉ cần chưa đến 1 tuần là có thể hành nghề được; đây là một phát triển khách quan khi người dân có điều kiện kinh tế tăng, nhu cầu làm đẹp cũng ngày càng tăng. Từ thực tế đó, chúng ta thấy cơ sở dịch vụ thẩm mỹ rất đa dạng, phức tạp như: Làm đẹp chăm sóc da, spa, làm phun xăm.
Trên địa bàn thành phố hiện có 15 bệnh viện thẩm mỹ; 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Đối với các cơ sở dich vụ thẩm mỹ mới có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun thêu có gửi thông báo đủ điều kiện về Sở Y tế TP HCM theo quy định đã được đăng tải trên cổng thông tin Sở Y tế. Trong khi đó, theo thống kê, trên địa bàn TP, có khoảng trên 2.000 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa.
|
Bà Hana Bùi đang thực hiện ca nâng mũi tại “phòng mổ”. Ảnh: TRẦN THÁI |
Do đó, để kiểm soát được loại hình dịch vụ và các cơ sở này không phải là điều đơn giản và một sớm một chiều là có thể kiểm soát được. Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố y khoa liên quan đến các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này phải được siết chặt.
Đặc biệt là ngành y tế cần hành động quyết liệt hơn nữa trong cấp phép và quản lý các cơ sở cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp; phối kết hợp với UBND quận - huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực y tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo có vi phạm, đặc biệt vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cần có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo ngành nghề liên quan dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ. Các cơ sở trên cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề, trách nhiệm đối với người bệnh.
Một trong những biện pháp nữa là công khai thông tin về các cơ sở thẩm mỹ giúp người dân biết để chọn lựa thông qua xây dựng App trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, cần lập đoàn kiểm tra, đánh giá về an toàn phẫu thuật đối với toàn bộ bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên toàn TP; kiên quyết chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm để ngăn ngừa sự cố y khoa nghiêm trọng có thể xảy ra.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phải tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân về tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định để người dân biết và phòng tránh.
Việc chủ cơ sở thẩm mỹ có hành vi đe dọa phóng viên viết điều tra là không thể chấp nhận và công an phải vào cuộc để làm rõ việc đe dọa của bà chủ cơ sở thẩm mỹ.
Về việc cơ sở có tàng trữ súng, phải xác định vũ khí thuộc dạng nào, có bị cấm hay được sử dụng, giấy phép do cơ quan nào cấp và cấp cho người nào. Vì vũ khí là vật đặc biệt nguy hiểm, có tính sát thương cáo và tước đoạt tính mạng tức thì, nên chỉ có các đơn vị và cá nhân được quy định của Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng được quản lý, sử dụng; những người khác nếu có được vũ khí bất hợp pháp thì bị xử lý hình sự theo quy định từ Điều 304 đến Điều 309 Bộ Luật Hình sự 2015.
Việc cơ sở thẩm mỹ sử dụng thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, không đúng phát đồ điều trị hoặc thuốc giả, ùy theo tính chất, mức độ xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Luật Dược 2016 và nếu đủ yếu tố thì xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015.
Để xảy ra những sai phạm đến mức độ như báo đã đưa tin, thì tùy theo tính chất và lĩnh vực phụ trách, người có trách nhiệm trong từng lĩnh vực sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của từng chế tài, từng ngành riêng.
Theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn/Người lao động