Thâm nhập đường dây buôn bán thận ở bệnh viện TP HCM

Google News

Chỉ với lời rao ngắn ở nhóm “Hội Hiến - Ghép thận” trên mạng xã hội, chưa đầy một phút sau, hàng chục cò mồi vào hỏi thăm và dụ dỗ để họ hỗ trợ đi bán thận giá cao.

Tôi đi bán thận: Cò buôn thận tung hoành ở bệnh viện Sài Gòn Tại TP.HCM, nhiều kẻ buôn bán nội tạng đang hoành hành dụ dỗ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn bán gan, thận dưới vỏ bọc "hiến tạng nhân đạo".

Trong vai người bán thận, tôi đăng lời rao trên nhóm “Hội Hiến - Ghép thận” với nội dung: “Nam thanh niên 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, nhóm máu B. Chưa có việc làm nên khó khăn về kinh tế cần bán thận. Chưa vợ, không hút thuốc, rượu bia. Ai cần liên hệ qua số điện thoại…”. Chưa đầy một phút, hàng chục cò mồi vào hỏi thăm và dụ dỗ: “Em có ra Hà Nội làm được không?”, “Huế làm an tâm hơn!”, “Sài Gòn ngay và luôn”, “Muốn giá cao thì đi Campuchia”.
Đối mặt với cò buôn thận
Trong rất nhiều “lời mời hấp dẫn”, tôi nhận lời mời gặp mặt của Sơn (khoảng 35 tuổi, quê Bình Dương), người tự giới thiệu đã kết nối nhiều người bán thận thành công.
Cuối tháng 10/2017, cò Sơn hẹn gặp tôi tại một quán cà phê trước bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tại đây, Sơn hứa hẹn nếu chúng tôi đồng ý ra Hà Nội “hiến thận”, Sơn sẽ bao trọn chi phí ăn ở, đi lại. Để tạo tin tưởng, Sơn nói mình vừa bán thành công một quả thận bên trái ở bệnh viện Việt Đức cách đây 15 ngày, với giá 240 triệu đồng, chưa tính tiền bồi dưỡng.
Nói rồi, Sơn kéo áo lên và chỉ vào vết mổ dài ngoằng bên hông trái của mình rồi trấn an tôi: “Anh hiến rồi nè. Anh vẫn sống khỏe bình thường. Em ra Hà Nội đi. Anh sẽ lo ăn ở chi phí toàn bộ. Em cứ yên tâm, mình có sức khỏe coi như làm phước, vừa có tiền, có BHYT suốt đời. Anh đã đi trước rồi. Em cứ nhìn anh mà an tâm nhé”.
Khi tôi tò mò hỏi Sơn bằng cách nào dẫn dắt thành công nhiều phi vụ bán thận, Sơn tiết lộ: “Một là người nhà nhờ các bác sĩ, bác sĩ nhìn mặt mấy thằng cò như tụi anh là biết, hoặc bác sĩ chung tay với cò tụi anh. Em yên tâm, làm cái này không ai nói ai, nếu lộ ra thì ảnh hưởng dây chuyền nên rất bí mật”.
Không chỉ có Sơn, sau khi đăng thông tin cần bán thận trên “Hội Hiến - Ghép thận”, rất nhiều cò gọi ngỏ ý muốn gặp mặt và ra giá cho quả thận của tôi. Trong đó, cò Thùy (28 tuổi) và Hải (31 tuổi, quê Hà Nội) là “nhiệt tình” nhất.
Hẹn ở một quán cà phê trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM), Thùy và Hải và cam kết nhận mua, lấy thận của tôi ngay tại Sài Gòn.
Cò Thùy cho hay nhóm máu B của tôi phù hợp với một bệnh nhân người Đài Loan đang bị suy thận giai đoạn cuối. “Ông này người Đài Loan. Vợ là người Việt sẽ đứng ra dàn xếp vụ này vì ông chồng không hề biết tiếng Việt”, cò Thùy nói.
Sau 10 ngày, cò Thùy gọi lại báo có bệnh nhân nhóm máu AB (không phải người đàn ông Đài Loan như trước) nhận được thận các nhóm máu khác và đang cần ghép thận gấp nên hối tôi đẩy nhanh khâu làm giấy tờ để hoàn thiện pháp lý.
Sau khi xác minh lại nhóm máu, cò Thùy và Hải yêu cầu chúng tôi chuẩn bị giấy tờ liên quan để gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm ban đầu.
Cầm tập giấy chỉ định xét nghiệm cò Hải đon đả chạy đến hướng dẫn tôi đi làm những bước dễ trước để tiết kiệm thời gian. Sau khi trải qua các xét nghiệm máu, HIV, siêu âm gan… cò Thùy đưa tôi về ở tại khách sạn trên đường Sư Vạn Hạnh nghỉ ngơi để tiếp tục lấy nước tiểu nguyên ngày xét nghiệm.
“Nếu qua được vòng xét nghiệm nước tiểu này thì coi như giao dịch thành công. Chị sẽ trả cho em 210 triệu đồng/quả thận, còn phần người nhà bồi dưỡng thêm thì chị không biết. Đó là do duyên của em và họ”, cò Thùy nói.
Cuộc tư vấn hiến thận ở bệnh viện Nhân Dân 115
Trước khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm tại bệnh viện theo chỉ dẫn của Thùy và Hải, tôi, hai người bán thận khác cùng người nhà bệnh nhân sẽ nhận thận, vào phòng bác sĩ tư vấn.
9h, trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép bước vào phòng, yêu cầu chúng tôi ngồi theo từng cặp: người “hiến” và gia đình người “nhận”.
Thấy tôi thấp bé nhất trong ba người, bà hướng mắt về phía tôi và hỏi: “Cậu cao bao nhiêu, nặng bao cân?”. Tôi đáp: “Em cao 1m50 nặng 51 kg”.
Bác sĩ tiếp lời: “Người cậu nhỏ thì quả thận cũng nhỏ nhưng phải làm xét nghiệm rồi tính tiếp”.
Cuộc trò chuyện diễn ra trong thời gian ngắn xoay quanh một vài câu hỏi về quê quán, giấy tờ, cần có chứng nhận từ người thân và sức khỏe của người sau khi cho tạng. Vị trưởng khoa này khẳng định người hiến thận vẫn có thể sinh hoạt, làm việc và đẻ con bình thường.
Sau đó, bà nhấn mạnh về tỷ lệ gặp tiên lượng xấu khi tiêm thuốc cản quang để chụp xạ hình thận.
“Để hiến thận, người cho phải trải qua hơn 60 bước xét nghiệm. Quan trọng hơn là khâu tiêm thuốc cản quang làm xạ hình thận, có thể có một tỷ lệ rất ít người sốc phản vệ có thể tử vong. Chúng tôi sẽ cố cấp cứu song đã chấp nhận hiến là phải chịu, việc này ngoài ý muốn. Bác sĩ sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố này…”.
Tư vấn xong xuôi, bà cho hay hiện hồ sơ chờ ghép đang xếp hàng dài, những người như chúng tôi có muốn nhanh cũng phải đợi vài tháng. Thấy vậy, cò Thùy liền trấn an tôi: “Em cứ yên tâm, đường đi nước bước chị lo, chị và người nhà sẽ bồi dưỡng bác sĩ để em lên ca sớm”.
Tôi và hai người khác tiếp tục được mời vào phòng để bác sĩ tư vấn về pháp lý, tâm lý trước khi đến với quyết định hiến thận.
Tại đây, một nữ bác sĩ cầm tờ giấy đọc hết hai trang A4 gồm 33 phụ lục về quy định hiến tạng khi người còn sống cho chúng tôi nghe. Dừng lại ở một phụ lục, nữ bác sĩ hỏi 3 người: “Anh chị hiến thận có được nhận tiền? Anh chị có được ai gợi ý hiến tạng, mô?”.
Chúng tôi đều “hiểu ngầm” và đáp: “Chúng tôi hiến vì mục đích nhân đạo”, rồi ký vào tờ đơn và viết lời cam kết tự nguyện. Trước khi đặt bút ký, từng người được hỏi tên người bệnh mình sẽ hiến thận. Trong tờ đơn hiến tạng cũng ghi đầy đủ tên của người nhận.
Theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì một trong những nguyên tắc quan trọng là phải “giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (khoản 4 Điều 4).
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, những người bán thận vào cùng phòng tư vấn với tôi đều gặp mặt trực tiếp người mua tạng. Chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ với nhau trước cuộc "giao dịch bất đắc dĩ" này.
Xay xẩm mặt mày... vì xét nghiệm
Hoàn thành thủ tục đăng ký, chúng tôi tiếp tục làm hàng loạt xét nghiệm kiểm tra sức khỏe.
Một bác sĩ lấy máu và chỉ định tôi làm ít nhất 22 xét nghiệm như siêu âm, điện tim đồ, chụp X-quang... Kết thúc ngày kiểm tra đầu tiên, tôi được cò Hải đưa về khách sạn nghỉ ngơi và chờ đợi những lần tiếp theo.
Ngày hôm sau, vác cái bụng đói meo, tôi được đưa đi lấy máu để xét nghiệm. Người y tá ngao ngán cầm tờ giấy đề chữ “hiến thận” nheo mày, nửa đùa nửa thật: “Anh có vợ chưa? Suy nghĩ kỹ chưa mà đi hiến. Không lý kiếm ai gửi đứa con đi. Mình nói thật lòng đấy”.
Ống kim tiêm to được y tá chọc thẳng vào tĩnh mạch từ từ kéo những giọt máu để đủ đầy xi lanh, chia đều cho 10 cái lọ nhỏ, dành để thực hiện hàng chục xét nghiệm. Tôi hoa mắt, chân đi loạng choạng vẫn phải theo cò Hải chở sang Trung tâm y khoa Hòa Hảo để làm xét nghiệm HIV và siêu âm gan.
Nếu không than mệt, cò Hải sẽ còn chở tôi sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch xét nghiệm lao. Thương tình, Hải đưa tôi quay trở về khách sạn nghỉ ngơi.
Trong lúc, chờ đợi lấy nước tiểu nguyên ngày cho buổi xét nghiệm, tôi đã kịp rời hang ổ của cò Thùy và Hải trước khi dấn thân vào con đường bán thận phi pháp.
Suốt những ngày thâm nhập trong đường dây môi giới mua bán thận, tôi thường nghe cò Sơn, Thùy, Hải và cả Hùng nói rất nhiều về đường dây bán thận nhộn nhịp tại Hà Nội. Điều đó khiến tôi tiếp tục cuộc hành trình ra thủ đô.
Theo Minh Anh/Zing