Nhân viên y tế tắc trách (?)
Trao đổi với Báo Giao thông, chị Nguyễn Thị Như Trang cho biết, trước cái chết bất thường của em gái chị là sản phụ Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1986, ở Yên Thái, Đồng Thịnh, Sông Lô), gia đình đã nhiều lần làm việc với hai đơn vị cấp cứu và điều trị cho sản phụ Loan. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến kết cục tử vong của mẹ con thai phụ Loan vẫn chưa được rõ ràng.
Chị Trang cho biết, trong buổi làm việc với Trung tâm Y tế Sông Lô, nơi tiếp nhận đầu tiên cho thai phụ Loan xuất hiện có “vấn đề trong quy trình điều trị". Cụ thể khi trong y lệnh có chỉ định thai phụ cần được xét nghiệm tổng phân tích tế bào bằng máu, nước tiểu định lượng urecreglu nhưng đã không được thực hiện. Cũng theo thông tin (ghi âm) của gia đình bệnh nhân cung cấp, bác sĩ điều trị cũng thừa nhận “nghi thai phụ sốt virus nên có suy nghĩ hạ sốt bệnh nhân sẽ ổn định và lùi việc thực hiện các xét nghiệm sang sáng hôm sau”.
|
Vụ việc mẹ con thai phụ tử vong bất thường ở Vĩnh Phúc vẫn chưa làm rõ nguyên nhân. |
Điều đáng nói, khi thai phụ có dấu hiệu các cơn đau bụng tăng dần, dồn dập và gia đình nhiều lần có ý kiến xin được chuyển tuyến đã không được cán bộ y tế tại đây chấp thuận với lý do “nếu không xử lý được sẽ cho chuyển”. “Đến khi Trung tâm Y tế Sông Lô chấp thuận cho gia đình chuyển viện thì tình trạng thai nhi đã nguy kịch. Do vậy, khi đưa được mẹ con thai phụ đến BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc thì các bác sĩ tại đây xác nhận không còn tim thai”, chị Trang chua xót cho biết.
Còn tại BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, khi biết thông tin thai đã chết lưu, gia đình chị Trang bày tỏ mong muốn bệnh viện can thiệp phẫu thuật để bảo vệ tính mạng người mẹ. Chị Trang cho hay, các bác sĩ ở đây đã trả lời “sức khỏe thai phụ không bị ảnh hưởng bởi thai nhi tử vong”. Sau đó bệnh nhân được đưa vào phòng đẻ theo dõi đẻ non. Tuy nhiên, đến 3h sáng, bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi sức cấp cứu. “Tại đây, em tôi vẫn tỉnh táo, đã cầm tay cha mẹ tôi bảo đau bụng quá, nhờ bác sĩ cứu con đi”, chị Trang cho biết. Gia đình đã nhờ bác sĩ can thiệp tuy nhiên sau đó bệnh nhân có diễn tiến bệnh xấu đi nhanh chóng và tử vong lúc gần 8h.
Cũng trong buổi làm việc với BS Sản Nhi Vĩnh Phúc, gia đình được các bác sĩ xác nhận, bệnh nhân nhập viện khi đã mất tim thai, sốt, thể trạng mệt mỏi. Sau khi chờ đợi theo dõi ở phòng đẻ nhưng sau mấy tiếng không có dấu hiệu gì. Bệnh nhân được chuyển sang cấp cứu khi có biểu hiện nôn ra máu, diễn biến xấu tiến triển nhanh. Điều đáng nói, “trong thời điểm nguy kịch, bệnh nhân vẫn được xác định đường huyết thấp, men gan hơi cao, nhưng không thấy huyết áp cao, mạch nhanh… không hôn mê và bác sĩ “linh cảm có gì đấy”. Sau đó, ít phút mới thấy tim mạch nhanh, ngừng tim đột ngột phải cấp cứu bóp tim. “Có những cái bác sĩ phát hiện ngay có những cái diễn biến quá nhanh không thể ứng phó được. Trường hợp này, chết do ngừng tim đột ngột”, đại diện bệnh viện đã giải thích cho gia đình bệnh nhân.
Giải thích của bệnh viện không thỏa đáng?
Chị Trang cũng cho hay, do gia đình không thỏa đáng với những giải thích từ phía bệnh viện nên đã tiếp tục có văn bản yêu cầu bệnh viện làm rõ hơn trách nhiệm cán bộ y tế trong quá trình cấp cứu và điều trị bệnh; đồng thời, làm rõ nguyên nhân dẫn khiến cả hai mẹ con thai phụ cùng tử vong.
Ngày 12/5, gia đình đã tìm đến BS Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc và được nhận công văn phúc đáp. Trong đó, có khẳng định, tại BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh nhân Nguyễn Thị Loan được cấp cứu, chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị (khi vào viện không có tim thai), hội chẩn, chuyển khoa, điều trị nội trú, hồ sơ bệnh án, sử dụng thuốc hợp lý đúng liều lượng, đúng đường dùng, thời gian dùng thuốc đúng hướng dẫn của Bộ Ytế; không có tương tác thuốc có hại, trực khám bệnh, chữa bệnh, thành lập hội đồng chuyên môn theo đúng quy định
Về nội dung tim thai ngừng đập trước khi chuyển bệnh nhân, bệnh viện Sản nhi có nhận định nguyên nhân có thể: Từ phía mẹ bị các bệnh lý mạn tính, các bệnh nội tiết, nhiễm độc thai nghén từ thể nhẹ đến thể nặng đều có thể gây ra thai chết lưu, bị các bệnh nhiễm ký sinh trùng, nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus (viêm gan, cúm, sởi…); từ phía thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, thai dị dạng, bất đồng miễn dịch mẹ con do yếu tố Rh, thai rất dễ bị chết lưu; có khoảng 20-50% số trường hợp thai nhi chết lưu là không tìm thấy nguyên nhân.
Trong văn bản nay cũng không đề cập đến nguyên nhân dẫn đến cái chết của thai phụ Loan.
Trao đổi với Báo Giao thông, chị Trang cho hay, đến thời điểm này gia đình chị, nhất là bố mẹ già vẫn rất sốc trước sự ra đi đột ngột của mẹ con em gái Nguyễn Thị Loan. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị hai đơn vị y tế phải trả lời rõ ràng về nguyên nhân tử vong cho mẹ con em gái tôi”, chị Trang cho biết.
Được biết, trước đó, chị Nguyễn Thị Loan sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Khi biết chị có thai, gia đình đã đề nghị chị Loan về nước để tiện cho gia đình chăm sóc trong quá trình thai kỳ.
Theo Tú Uyên/Giao thông