Bệnh viện báo cáo thai nhi chết lưu 3 ngày, Sở Y tế khẳng định trên 7 ngày
Chiều 2/7, Sở Y tế Hà Tĩnh có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế liên quan đến việc thai nhi tử vong với vết đứt cổ. Báo cáo của Sở Y tế nêu rõ thai nhi chết lưu trên 7 ngày. Trong khi, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ lại báo cáo gửi Sở Y tế với kết quả thai nhi 35 tuần tuổi bị chết lưu trên 3 ngày.
“Các bác sĩ của bệnh viện nhận định thai nhi chết lưu trên 3 ngày, còn Sở Y tế có thể thông hình ảnh cùng với chuyên môn và hỏi những người đầu ngành thì có thể kết luận thai chết lưu 7 ngày”, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, nói.
Trong khi đó, bác sỹ siêu âm cho sản phụ Tình trước khi nhập viện 9 ngày cho biết, các chỉ số thai bình thường và không thể khẳng định thai chết trước 7 ngày.
Cụ thể ngày 21/6 (trước thời điểm xảy ra sự việc 9 ngày), chị Tình đến một phòng khám trên địa bàn thăm khám. Kết quả siêu âm cho thấy, thai nhi 34 tuần 5 ngày, tim thai đều, rõ, tần số 139CK/p; cử động thai bình thường.
Vị bác sĩ của phòng khám này cho biết, ông là người thực hiện siêu âm cho sản phụ Tình vào ngày 21/6. Thời điểm ông siêu âm thì mọi chỉ số thai đều bình thường.
|
Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ảnh: Gia đình và Xã hội.
|
Ngày 4/7, Công an huyện Đức Thọ cho biết đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá lại quy trình và toàn bộ vụ việc của Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ liên quan đến vụ trẻ sơ sinh chết với vết đứt ở cổ.
"Công an đề nghị Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá lại một lần nữa quy trình và sự cố khiến cháu bé thiệt mạng. vụ án có khởi tố hay không phải điều tra xem có dấu hiệu phạm tội không?", lãnh đạo công an huyện Đức Thọ nói.
Bác sĩ nội trú nhận định ra sao?
Liên quan tới vụ thai nhi tử vong với vết đứt cổ bất thường, trang tin Bacsinoitru.vn đã đưa ra một số chia sẻ về thực trạng tại các trung tâm y tế huyện và lý giải về vụ việc.
Theo trang tin này, vụ bé sơ sinh bị kéo đứt cổ xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua là một vụ việc kinh hoàng và hết sức đáng tiếc. Tuy nhiên, mọi người nên bình tĩnh, tham vấn chuyên gia cẩn thận, bình luận có trách nhiệm để tránh gây hoang mang cho dư luận, tránh ảnh hưởng tâm lý tới gia đình bé sơ sinh và tránh đổ thêm lỗi vô cớ lên đầu nhân viên y tế.
Theo truyền thông, ca sinh nở này được đảm trách bởi hai nữ hộ sinh có kinh nghiệm, họ được phân công nhiệm vụ đỡ đẻ trong tua trực tối hôm đó, thậm chí khi gặp khó khăn, họ đã nhận được sự hỗ trợ của đích thân bác sĩ trưởng khoa sản trực thường trú. Lúc đó, bác sĩ trực là một bác sĩ đa khoa, ngoài ra bác sĩ còn có cả chứng chỉ chuyên khoa răng hàm mặt. Do vậy, bác sĩ không hề tham gia ca đỡ đẻ này và chỉ tham vấn ý kiến của hai nữ hộ sinh và bác sĩ trưởng khoa sản trực thường trú để đưa ra những quyết định mang tính thủ tục là hoàn toàn hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được trong điều kiện nhân lực y tế tại các tuyến như hiện nay.
Ở các trung tâm y tế huyện, đặc biệt là tuyến xã, tại những địa phương nghèo, xa trung tâm... với nhân lực y tế rất mỏng thì đừng bao giờ mong có đủ bác sĩ chuyên khoa để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là bác sĩ chuyên khoa sản. Nhiều nơi, còn sử dụng đội ngũ nữ hộ sinh là nguồn nhân lực chính, mặc dù họ không được đào tạo bài bản như các bác sĩ chuyên khoa sản, nhưng chắc chắn một điều họ có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn các bác sĩ trẻ, các bác sĩ đa khoa trong lĩnh vực sinh nở.
Video "Cân nặng ảnh hưởng ra sao đến thai nhi". Nguồn: Vietnamnet.
Thông thường trước mỗi trường hợp lâm bồn, người trực tiếp đỡ đẻ chính là các nữ hộ sinh chứ không phải là bác sĩ, họ luôn ở bên người sản phụ để theo dõi, động viên, hướng dẫn thở và rặn đẻ. Họ tận dụng sức rặn đẻ của sản phụ để tống thai ra ngoài qua nhiều giai đoạn, giai đoạn cuối cùng là giai đoạn thai xổ thì họ sẽ dùng hai bàn tay để đỡ chứ không kéo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi tới giai đoạn thai xổ, nghĩa là đầu thai nhi đã lọt ra tới âm đạo thì người sản phụ kiệt sức không thể rặn thêm được nữa. Lúc này, người nữ hộ sinh có thể hỗ trợ người sản phụ bằng nhiều cách mà trong đó bao gồm đỡ và ôm đầu thai nhi để kéo ra ngoài, sử dụng giác hút hoặc forceps để kéo thai nhi ra.
Với lực kéo vừa phải (50 - 60 kg) thì rất khó có thể gây đứt rời đầu khỏi cổ đối với những thai nhi còn sống, điều này chỉ có thể xảy ra đối với thai đã chết lưu. Khi thai chết lưu, các bộ phận mỏng manh trên cơ thể rất dễ rời nhau dưới một lực tác động đủ lớn vì các dây chằng, cơ, tổ chức... có nhiệm vụ kết nối giữ cho cơ thể được toàn vẹn bị thiểu dưỡng, teo đét không còn khả năng đảm nhận được chức năng của nó. Chính vì điều này, đối với thai lưu, nhất là thai to, sản phụ không đủ sức để rặn đẻ (bị suy tim chẳng hạn) thì giải pháp tối ưu là thủ thuật cắt thai trong tử cung và lấy các mảnh thai ra ngoài qua đường âm đạo.
Thảo Nguyên (TH)