Mấy năm gần đây, quan niệm về việc mua sắm Tết đã có những chuyển biến rõ rệt. Không ít người bắt đầu hướng đến suy nghĩ, Tết không nhất thiết phải mua sắm quá nhiều. Giờ là chơi Tết chứ không cứ phải là ăn Tết. Điều này đã mở ra một góc nhìn mới về sự tiêu dùng thông minh và tiết kiệm trong ngày lễ truyền thống.
Chi tiêu bao nhiêu cho Tết là đủ?
Thực tế cho thấy, không có một con số cụ thể nào cho việc chi tiêu Tết được xem là hợp lý mà tùy vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng gia đình.
Chị Thắm (40 tuổi, nhân viên kinh doanh ở Đông Anh, Hà Nội) cho biết, Tết nào gia đình chị cũng phải rút một phần tiền tiết kiệm ra tiêu vì lương, thưởng của hai vợ chồng không đủ. Quà cáp, tiền biếu hai bên nội ngoại, mua sắm đồ trang trí, thực phẩm, bánh kẹo, tiền mừng tuổi, rồi các khoản phát sinh khác,… sơ sơ mấy ngày Tết cũng ngốn của gia đình chị hơn 30 triệu đồng. Vậy nên chị đâm ra… sợ Tết.
|
Chị Hà Dung sắm Tết. Ảnh Vân Giang |
“Biếu Tết ông bà nội 5 triệu, ông bà ngoại 5 triệu, thêm mỗi bên giỏ quà 1 triệu vị chi là hết 12 triệu. Mua sắm đồ trang trí, đồ thắp hương, đào quất 1,5 triệu. Bánh kẹo, bia rượu, nước ngọt 2 triệu. Thực phẩm Tết 3 triệu. Quần áo, giày dép cho 2 con 1,5 triệu. Cho con tiền chơi Tết 3 triệu. Tiền mừng tuổi các cụ, cháu chắt 5 triệu. Ngoài ra còn các khoản phát sinh khác chưa thống kê được”, chị Thắm liệt kê.
Để chuẩn bị cho dịp Tết này, vợ chồng chị Thắm cố gắng nhận việc làm ngoài giờ, chăm chỉ cày cuốc. Với tiền lương của hai vợ chồng, cộng với các khoản thưởng và lương làm thêm, chị Thắm nhẩm chắc cũng đủ để cả nhà đón một cái Tết vui tươi hơn mọi năm.
Từ ngày lập gia đình, chị Hoàng Nhung (nhân viên kế toán, Long Biên, Hà Nội) thấy “sợ” Tết bởi sự tất bật, trăm thứ phải lo toan và tốn kém. Hàng loạt các khoản tiền không cánh mà bay theo những trách nhiệm vô hình của cuộc sống gia đình. Năm nào chị cũng cố gắng sắm sửa cho gia đình một cách đủ đầy, tươm tất.
“Năm trước, mình dành 20 triệu đồng cho mua sắm và tiêu tết cho gia đình, nhưng năm nay cả hai vợ chồng thu nhập đều hạn chế hơn, nên quyết định chỉ tiêu những khoản bắt buộc chứ không mua sắm hoang phí như những năm trước nữa.
|
Bảng chi tiêu Tết của chị Hà Dung. Ảnh Vân Giang |
Năm ngoái mua đồ ăn nhiều đến ra ngoài Tết ăn cũng không hết rồi để hỏng, năm nay rút kinh nghiệm hơn mua ít đi, vì giờ mùng 2 chợ cũng đã mở rồi” – chị Hoàng Nhung nói.
Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ trước, gần Tết giá cả thường tăng cao, chưa kể những ngày giáp Tết mua thực phẩm cho tươi thì bị ép giá, nên năm nay trước Tết cả tháng, chị Nhung đã nhờ đồng nghiệp quê Lạng Sơn gom đầy đủ món đồ cần thiết từ hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng khô đến đủ thứ đặc sản núi rừng khác.
Đừng để "cháy túi" chỉ vì… “Tết mà”
Không khó để bắt gặp các gia đình chỉ có mức thu nhập trung bình, nhưng vẫn mạnh tay chi đậm cho mua sắm Tết với tâm lý “no ba ngày Tết". Nhiều người quan niệm, cả năm có thể thắt lưng buộc bụng, nhưng mấy ngày Tết nhất định phải tiêu mạnh tay, sắm sửa đủ thứ cho “bằng bạn bằng bè”. Để rồi, khi mấy ngày xuân ngắn ngủi qua đi, không ít gia đình lâm vào cảnh thiếu hụt do lạm chi.
Đối với gia đình Hà Dung (25 tuổi, Hà Nội), Tết không có gì đáng lo bởi hai vợ chồng đều thống nhất chi tiêu tiết kiệm. Mỗi mùa Tết gia đình chỉ tiêu khoảng 5 – 7 triệu, cân đối mua sắm sao cho vừa đủ để tránh lãng phí.
Những thứ cần chuẩn bị như đồ ăn, đồ thắp hương, đồ biếu Tết, tiền lì xì chắc chắn không thể thiếu. Chị Dung cho biết, chỉ sắm những món đồ thật cần thiết, cắt giảm tối đa những thứ không cần dùng đến.
"Khác với ngày xưa, mong đến Tết để có đồ ăn ngon, quần áo mới thì hiện tại đã đầy đủ, ngày thường cũng không thiếu gì. Chính vì vậy chỉ mua đồ ăn đủ cho 3 ngày Tết, tránh gây thừa ăn tới rằm tháng Giêng vẫn chưa hết. Quần áo đã mua quanh năm nên đến Tết cũng không cần sắm nhiều", chị Dung cho hay.
Thu Linh (29 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho biết, năm nay dự định hạn chế tiêu pha nhất có thể. Sắm luôn những thứ cần thiết vào các dịp khuyến mãi. Còn lại, chi phí cho khoản quần áo, làm đẹp sẽ cắt bỏ vì đây thường là thứ khiến cô nàng tốn tiền nhất mỗi dịp Tết.
"3 khoản chi cố định mà dù có thưởng Tết hay không mình vẫn sẽ chi đó là quà biếu Tết, tiền xe đi lại về thăm quê và 1 khoản nhỏ lì xì cho bố mẹ. Dự tính tối đa chỉ hết khoảng 5 triệu đồng", Linh tính nhẩm.
Tết là phải vui, một khởi đầu vui vẻ thì cả năm sẽ may mắn và suôn sẻ nên Linh ưu tiên tận hưởng thời gian bên người thân của mình. Chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân để đến khi hết Tết, vẫn còn tiền sinh hoạt.
Bí quyết mua sắm Tết tiết kiệm, hiệu quả
Việc tiết kiệm nói ra thì dễ, nhưng khi thực hiện lại là thử thách với không ít gia đình. Bởi Tết có quá nhiều việc phải lo từ trong nhà đến ngoài ngõ, từ đi chợ mua đồ ăn thức uống dự trữ để đãi khách, nấu nướng, dọn dẹp bày biện trang hoàng nhà cửa, đến mua sắm quần áo, quà biếu tặng,…
Để Tết đủ đầy mà vẫn tiết kiệm, chị Nguyệt Hằng (38 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, bí quyết của chị là:
Lên kế hoạch mua sắm từ trước: Xác định rõ ngân sách, lập danh sách những thứ cần mua. Thay vì mua quá nhiều và lãng phí, chỉ mua những thứ cần thiết và đủ dùng, tập trung vào việc mua sắm các mặt hàng thực sự cần thiết, tránh lãng phí.
“Săn” hàng khuyến mãi: Săn các mặt hàng khuyến mãi thiết yếu là một chiến lược mua sắm thông minh trong dịp Tết. Theo dõi các chương trình giảm giá tại các siêu thị lớn, các cửa hàng đảm bảo chất lượng để mua sản phẩm mình cần với số lượng hợp lý.
Tự nấu những món ăn truyền thống: Nên mua các nguyên liệu và tự nấu những món ăn truyền thống là một cách tiết kiệm trong dịp Tết. Ngoài ra, việc tự nấu cũng tạo ra không khí ấm cúng và gắn kết gia đình khi mọi người cùng nhau tham gia vào quá trình chuẩn bị.
Lên ngân sách cho ngày Tết: Đừng quên lên ngân sách trong dịp này. Lập danh sách các khoản tiền phải chi, các đồ dùng cần phải mua, thực đơn trong mấy ngày Tết để cân đối tài chính và mua sắm tiết kiệm.
Vân Giang