Mấy năm gần đây, Hà Nội mở ra rất nhiều trung tâm tập thể dục, yoga (gọi tắt là tập “gym”) cho các tín đồ thể thao lựa chọn như: hệ thống California Fitness and Yoga Center, Phòng tập Thể dục Thẩm mỹ Curves, Elite Fitness and Spa, Trung tâm thể dục thẩm mỹ Vũ Điệu Hà Nội, CLB Thể hình Thanh niên, CLB Mùa xuân…
Giá thành tập ở những trung tâm hay phòng tập công cộng rất muôn hình vạn trạng, rẻ thì vài trăm nghìn đồng/tháng, đắt có thể lên tới cả chục triệu đồng/tháng với những gói tập luyện VIP. Lợi ích mà “gym” đem lại cho người tập thì không cần phải bàn cãi nhiều. Nhưng với môi trường công cộng và việc dùng chung các thiết bị tập luyện vô tội vạ đôi khi lại… lợi bất cập hại.
Chị Phương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đi tập yoga tại một trung tâm nổi tiếng trên phố Láng Hạ được 1 tuần thì phải bỏ ngang chừng bởi không khí ngột ngạt do “quá tải” người tập ở đó. Bỏ phí thẻ tập còn những gần 2 tháng, trị giá mấy triệu đồng, chị “tiếc đứt ruột” nhưng đành chấp nhận vì chịu không nổi.
“Có những hôm chúng tôi đến tập yoga, ca trước vừa ra, ca sau đã ùa vào, thảm ngồi thấm đầy mồ hôi của người tập trước chẳng kịp thay, phòng tập thì toàn người là người. Chẳng biết trong lành, tĩnh tâm, điều hòa, tốt cho sức khỏe đến đâu chứ cứ nghĩ đến không khí “tả pí lù”, hỗn tạp, dụng cụ mất vệ sinh là đã… hết hồn. Tập lâu có khi còn mua thêm bệnh vào người chưa biết chừng”, chị Phương bức xúc.
Một cuộc khảo sát của Anh trên 2.000 người gần đây cho thấy: 3/4 tín đồ “gym” phàn nàn về việc mồ hôi của người khác còn để lại trên thiết bị mà họ sử dụng; 1/2 người đến phòng tập sử dụng chung khăn và nước uống; 18% thừa nhận đi đến phòng tập thể dục khi bị cảm lạnh, ho và hắt hơi; hơn 1/3 (35%) tập thể dục mà không có chất khử mùi hay đi tất và 16% thừa nhận không giặt quần áo thể thao giữa các lần tập.
Theo các chuyên gia, những mầm bệnh nguy hiểm đáng báo động dễ lây lan tại các phòng tập “gym” có thể kể đến: HPV – virus gây bệnh mụn cóc sinh dục ở cổ họng, miệng, chân, tay, vùng kín, hậu môn đối với cả nam giới và phụ nữ; vi khuẩn klebsiella gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng máu hiếm và viêm màng não; khuẩn E.coli gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và có thể dẫn đến viêm phổi; tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus gây nhiễm trùng da, nếu vi khuẩn vào trong da có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi hoặc viêm màng não; nấm Candida ở chân, tay, nấm phụ khoa; liên cầu vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng da…
Nhiễm trùng, viêm da và cúm là những căn bệnh bùng nổ phổ biến, dễ lây lan nhất đối với người thường xuyên tập thể thao ở các phòng tập. Nguyên nhân có thể một phần là do sự tiếp xúc trực tiếp da kề da giữa những người tập, lan truyền gián tiếp qua không khí, từ các bề mặt dụng cụ mà bạn tiếp xúc như thảm ngồi, thảm lót chân, tay cầm các dụng cụ… tạo điều kiện chín muồi cho việc lây truyền bệnh.
TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, BV Da liễu Trung ương cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào đưa ra cảnh báo chính thức các bệnh lây nhiễm từ phòng tập thể dục. Bệnh nhân đến khám với nhiều biểu hiện khác nhau và nhiều khi cũng không nhớ hết đã tiếp xúc với những vật gì, đâu là nguyên nhân chính. Do đó, bác sĩ chỉ khám và điều trị dựa trên biểu hiện bệnh.
Tuy nhiên trong môi trường có lượng người tập trung đông, cơ sở vật chất không đảm bảo, mỗi khi tập mồ hôi tiết ra nhiều… ở các phòng tập “gym” là những điều kiện thuận lợi để xuất hiện các bệnh về da. “Chỉ cần một người bị viêm, ngứa bề mặt da thôi sẽ rất dễ lây sang người khác do dùng chung đồ dùng trong phòng tập. Các bệnh thường mắc phải là viêm da, ghẻ, hắc lào…”, BS Sáu nói.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, PGĐ BV Da liễu Hà Nội lưu ý người mắc các bệnh da liễu cần ngừng tập, điều trị cho khỏi hẳn rồi tiếp tục, để bảo vệ sức khoẻ chính mình và tránh lây lan cho người khác. “Các bệnh về da cần điều trị lâu dài, kiên trì nếu không rất dễ tái đi, tái lại. Nhiều khi chỉ là những vết nhỏ nhưng điều trị không đúng cách làm lây lan rộng, nặng hơn...”, BS Quang khuyến cáo.
TIN LIÊN QUAN:
BÀI NỔI BẬT CHUYÊN MỤC:
Theo PL&XH