Để độc giả hiểu chính xác hơn thông tin trong bài viết nhằm tránh gây nhầm lẫn, Kiến Thức xin làm rõ một số điểm sau:
- Kiến Thức không có bất kỳ thông tin nào gây nghi ngờ về chất lượng đảm bảo của táo Juliet Pháp.
- Tuy nhiên, việc sản phẩm bị mạo danh hoặc trà trộn bởi những sản phẩm táo khác là điều có thể xảy ra. Nếu nghi ngờ này là đúng, Kiến Thức muốn cảnh báo người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chính hãng để bảo vệ quyền lợi chính đáng và sức khỏe của mình. Đây chính là vấn đề Kiến Thức muốn bàn luận với độc giả trong loạt bài sẽ đăng trong thời gian tới.
Táo Organic 49 ngày không thối: Có sự gian dối?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết: "Táo Organic để ở nhiệt độ phòng 49 ngày không thối hỏng là một hiện tượng rất BẤT BÌNH THƯỜNG vì tất cả các loại hoa quả tự nhiên, nếu không dùng chất bảo quản để ở môi trường tự nhiên từ 1-5 tháng mà không có hiện tượng thối hỏng là vô cùng khó".
Dù hiện tại chưa thể kết luận quả táo hữu cơ Organic mà Kiến Thức thử nghiệm có sử dụng chất bảo quản gì độc hại hay không? Và đó có phải là táo “trá hình”, được gắn mác Organic Juliet hay không? Nhưng theo vị chuyên gia trên khuyến cáo thì người tiêu dùng vẫn phải cẩn trọng vì rất có thể có những cơ sở giở chiêu trò bán táo Organic trá hình bằng cách dán những chiếc tem Organic giả lên quả táo thông thường hoặc giả mạo táo có thương hiệu để bán cho khách hàng nhằm trục lợi. Nếu không may ăn phải những quả táo Organic được hô biến từ táo không rõ nguồn gốc, táo ngậm hóa chất để bảo quản sẽ vô cùng nguy hiểm với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ, bà bầu hay bà mẹ đang cho con bú.
|
Ba quả táo hữu cơ được gắn mác Juliet Organic được Kiến Thức mua tại một siêu thị uy tín để làm thực nghiệm. |
Vô cùng nguy hại sức khỏe con người
Trao đổi với Kiến Thức, PGS.TS. Vũ Đặng Hoàng - Bộ môn Hóa phân tích và Độc chất, Đại học Dược Hà Nội cho biết: "Để bảo quản được trái cây tươi lâu mà vẫn giữ được hương vị màu sắc thơm ngon như ban đầu, người ta phải sử dụng các hóa chất có khả năng kìm hãm quá trình sản sinh ethylen hoặc ngăn cản sự gắn kết của ethylen với thụ thể của nó (Ethylen là chất có đặc tính kích thích sinh trưởng của tế bào có tác dụng trong quá trình kích thích quả chín).
Ở các nước phát triển, người ta thường dùng các hóa chất điều hòa sinh trưởng như aminoethoxyvinyl-glycin (ReTrain) trước khi thu hoạch quả hoặc 1-methylcyclopropen (EthylBloc) sau khi thu hoạch để làm quả tươi lâu.
Việc trái cây được giữ tươi lâu, thậm chí trong vòng 4 - 6 tháng chỉ có thể do trái cây được tẩm ướp với các hóa chất cấm sử dụng như: Thuốc diệt cỏ CO 2,4 D, hóa chất Clo hoặc hóa chất có chứa carbendazim. Đây là các chất giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật bám vào trái cây. Nếu nhúng vào dung dịch các chất này, trái cây không những bảo quản được lâu hơn mà còn có vẻ ngoài cứng hơn, tươi hơn, chín đều hơn, đẹp mã hơn.
Những chất này đặc biệt nguy hại với sức khỏe. Nếu bạn thường xuyên ăn phải hoa quả giữ tươi lâu bằng những hóa chất này bạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác nhau".
PGS.TS Vũ Đặng Hoàng phân tích: "Đơn cử trong những loại hóa chất bảo vệ thực vật có chứa carbendazim nó có thể phá hủy quá trình tháo nếp gấp của nhiễm sắc thể, gây ung thư và vô sinh. Người ăn phải trái cây bảo quản bằng hóa chất carbendazim đặc biệt là trẻ em rất dễ ngộ độc mãn tính. Theo thời gian dài chất này có khả năng tích lũy dần trong cơ thể gây đột biến tế bào, khiến khối u trong cơ thể phát triển và hình thành mạnh hơn. Nguy hiểm hơn chất này có thể khiến thai nhi bị dị tật và khiến phụ nữ sinh con quái thai".
|
Quả táo Organic để bên ngoài sau 49 ngày mới bắt đầu có dấu hiệu thâm nhẹ một góc nhỏ. |
Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin thêm: Ở nước ta từng phát hiện người dân sử dụng chất thuốc diệt cỏ 2,4D đã loại bỏ dioxin để bảo quản và giữ cho quả tươi lâu hơn ít thối hỏng hơn. Chất này có thể bảo quản hoa quả 3 tháng không thối vì nó ức chế vi sinh vật phát triển, chống côn trùng, vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, giữ trái cây lâu hư hỏng hơn. Tuy nhiên, nó rất nguy hiểm và rất độc cho con người.
"Nếu vô tình ăn phải, hoa quả hoặc táo có chất CO2,4D trong một thời gian dài thì chất độc này sẽ bị tồn dư trong gan, não và hủy hoại 2 bộ phận này. Ngoài ra, nó còn có nguy cơ thay đổi cấu trúc gen làm tăng nguy cơ ung thư", ông Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, về những loại hóa chấy gốc Clo, khi sử dụng nó để bảo quản giúp trái cây tươi lâu, chậm thối hỏng có thể là nguyên nhân gây ung thư và một số bệnh khác. Chất này còn có thể gây rối loạn hệ thống nội tiết tố, tích lũy dần trong cơ thể, tới lúc nào đó sẽ gây đột biến, kích thích tế bào khối u phát triển, ảnh hưởng đến bào thai và gây dị dạng cho thế hệ sau.
Thu Minh