Chúng ta đều chớp mắt, hầu hết thời gian là chớp mắt một cách tự nhiên mà không nhận thức được nó. Đôi khi chúng ta chớp mắt như là một phản xạ với các kích thích bên ngoài, ví dụ côn trùng đột ngột xuất hiện trước mắt bạn. Thậm chí chúng ta chớp mắt tự nhiên để làm mắt sáng rõ hơn hoặc khi mắt cảm thấy mệt mỏi.
Trẻ sơ sinh chớp mắt một hoặc hai lần một phút trong khi người lớn chớp từ 14 đến 17 lần mỗi phút. Lý do cho sự khác biệt này vẫn chưa được biết, nhưng một số gợi ý rằng trẻ sơ sinh không cần đến lượng bôi trơn mắt mà người lớn cần vì mí mắt của em bé nhỏ hơn so với người lớn.
Tốc độ chớp mắt có thể thay đổi theo ngữ cảnh, giả sử bạn đang xem ti vi hoặc đọc sách, bạn sẽ chớp mắt ít hơn. Trong khi đọc, bạn có thể chớp mắt vào cuối mỗi câu. Bạn đã từng để ý rằng, chớp mắt cũng tăng phản ứng với đau, ánh sáng, thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và từng tình huống ở mỗi cuộc trò chuyện.
Một số người trong chúng ta bị chớp mắt quá mức, hay còn gọi là tật nháy mắt. Điều này có thể liên quan đến các cử động khác của mặt, đầu hoặc cổ, chớp mắt quá nhiều có thể là do các vấn đề về mí mắt, thói quen, lỗi khúc xạ, mắt lé và cả căng thẳng.
Mục đích chính của việc chớp mắt là làm sạch và giữ ẩm mắt, bảo vệ chúng bằng cách quét sạch các hạt nhỏ bụi hoặc chất bẩn có thể gây kích ứng. Mỗi lần chớp mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu, làm bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ. Chớp mắt cũng mang lại chất dinh dưỡng cho bề mặt mắt giữ cho chúng khỏe mạnh hơn.
Khi chúng ta chớp mắt, não bộ sẽ định vị lại nhãn cầu, nhờ vậy chúng ta có thể tiếp tục tập trung vào những gì đang quan sát. Thời điểm chớp mắt, nhãn cầu di chuyển về lại vị trí hốc mắt, khi mắt mở ra trở lại, nhãn cầu thường không trở lại đúng vị trí ban đầu.
Sự thiếu đồng bộ này tức thời làm não bộ kích hoạt các cơ mắt nhằm chỉnh lại tầm nhìn của chúng ta, đôi lúc bộ não kiểm soát lại thời gian chớp mắt cho phù hợp.
Theo Diễm Hà/ Infonet