- A lô, em Q. đây, chị còn nhớ em không? Mới 6 giờ sáng mà đã có điện thoại. Tôi bảo nhớ, vì em rất “đặc biệt”, bốn loại giấy tờ mà có đến năm cái tên
- A lô, em Q. đây, chị còn nhớ em không?
Mới 6 giờ sáng mà đã có điện thoại. Tôi bảo nhớ, vì em rất “đặc biệt”, bốn loại giấy tờ mà có đến năm cái tên. Em cười xòa, kể: “Chồng em nói, nộp đơn ly hôn lên tòa nó không ra ký thì cả đời em cũng không ly hôn được, nhưng về xã xin ly hôn thì nó ký.
Giờ sao chị?”. “Xã không có thẩm quyền xử ly hôn”. “Nhưng giờ giấy tờ của em chồng em giữ hết, nó không đưa, em biết làm sao?”. “Thôi cứ nói là sẽ ra xã ký ly hôn, coi như “dụ” anh ta đưa giấy tờ, làm xong tính tiếp”. Em như vừa tìm được lối thoát, liên tục “cảm ơn chị”.
|
Ảnh minh họa. |
Em tâm sự, em SN 1983, tuổi Quý Hợi nhưng đời em đến giờ vẫn chưa thấy có cái gì quý hết! Cha mẹ ly hôn năm em tám tuổi, em sống với cha. Năm em 11 tuổi cha có vợ mới, dắt nhau đi làm ăn xa, bỏ em lại cho ông bà nội. Một người cô muộn con xin em về làm “con đỡ đầu”. Em ở với cô, nghĩ sẽ nương tựa suốt đời vì được cô cho đi học. Ngoài giờ học em phụ việc nhà.
Lớp 10 em thi được 38 điểm nhưng dượng nói không có tiền nuôi em học tiếp cấp III, thôi ở nhà phụ cô dượng chăn nuôi, mai mốt lớn cô dượng cho một số vốn làm ăn. Em ngoan ngoãn nghe theo. Con gái sớm xa cha mẹ nên mau “già đời”. Đận heo xuất chuồng, gà thay lứa mới, cô đi coi heo giống, dượng nhờ em cạo gió, xoa dầu, nấu nước xông... Em ngoan ngoãn làm như con đối với cha, nhưng dượng lại không xem em là con cháu... May mà em chạy thoát, về ở luôn với nội. Năm đó em 17 tuổi.
Năm sau, có người mai mối hỏi cưới em. Nội bảo, con gái phải lấy chồng để có nơi nương tựa. Em giãy nảy, con muốn học nghề may mà nội, con sẽ nuôi nội bằng nghề may, sẽ không lấy chồng... Nội cứ tỉ tê, nhà người ta khá lắm, hai bên gia đình lại quen biết nhau, thằng đó có công ăn việc làm ổn định, bây không phải lo no lo đói. Nội nói mãi, mười tám tuổi rưỡi em gật đầu lên xe hoa.
Em và chồng không yêu nhau nhưng cũng chẳng cãi nhau lần nào trong hai năm đầu chung sống. Đi chợ còn dư năm ngàn em cũng đưa lại mẹ chồng; cuối tháng chồng cho ít tiền bỏ túi cũng nhờ mẹ chồng cất “cần gì con sẽ xin”. Em sinh con đầu lòng, cha chồng đi làm giấy khai sinh, tờ giấy đó tròn méo ra sao em cũng chưa thấy.
Con đầu hai tuổi rưỡi, em chuẩn bị “đập bầu” đứa thứ hai. Cuộc sống chung nhiều va chạm, lại trăm thứ trăm tiền phải lo, em lại không mặn mà yêu thương chồng nên chồng em dần chán, bỏ mặc vợ con. Không yêu thương nên cũng khó lòng cùng nhau vượt qua dâu bể cuộc đời. Em trầm cảm sau sinh. Uống thuốc mấy tháng, tinh thần em tạm yên thì mẹ chồng tuyên bố: “Mai mốt bé Hoa cứng cáp, con phải sinh thằng cháu trai cho ba mẹ!”.
Em chợt nghĩ: “Hóa ra mình là cái máy đẻ của nhà này à?”. Rồi em biết tin, trong mấy tháng em trầm cảm, tuổi già sức yếu nên nội đã qua đời nhưng nhà chồng không cho em hay. Cô em bảo, lúc sắp đi nội cứ gọi tên em mãi. Cú sốc này khiến em phát bệnh trở lại. Em phải uống thuốc thần kinh suốt một năm. Mất sữa mẹ, con bú bình, chồng lại mắng em: “Không biết làm mẹ. Suốt ngày chỉ có ăn và đẻ mà cũng làm không xong”.
Giận vợ, chồng em đi… nhậu rồi cặp kè với một cô “gà móng đỏ”. Cô này “gan” đến nỗi mỗi cuối tuần là về nhà chồng em nấu nướng, uống bia, hát hò, xưng là “bạn làm chung với anh Tuấn”.
Thời gian đó, em ra vô nhà chồng như chiếc bóng, muốn đi chẳng biết đi đâu, muốn trò chuyện cũng không có người bạn nào. Cha mẹ chồng không cho em chăm sóc hai đứa trẻ vì sợ “lây khùng”. Vậy là khi con gái nhỏ được 24 tháng, em xin phép đi làm xa. Dù chỉ làm nhân viên của một công ty vệ sinh, hưởng lương theo giờ nhưng hàng tuần em vẫn gửi tiền về nuôi con.
Em đi vậy, chớp con mắt cũng hết mấy năm. Con lớn vào lớp 3 thì một bà thím họ khuyên em phải về mà giành lại chồng, vì lúc này đi đâu chồng em cũng chở “con kia” theo, giới thiệu khắp nơi là vợ. Em trù trừ mất một mớ thời gian, nhưng gần đây, thấy tình nghĩa vợ chồng quá nhạt, em lại muốn ly hôn để “giải thoát”. Xem lại giấy tờ để làm thủ tục, em mới… tá hỏa.
Trong khai sinh đứa con đầu lòng, cột “Người mẹ” có tên Võ Thị K.Q. Đến đứa thứ hai, cột “Người mẹ” lại ghi Vi Thị T.Q. Trong hộ khẩu tên em là Võ Thị N.Q., nhưng tên đúng nhất theo CMND của em lại là: Võ Thị H.Q. Em bảo, khai sinh cho con là cha chồng em đi khai, chuyển khẩu cũng cha chồng chuyển, hồi đi làm giấy kết hôn thì chỉ… ký tên trước rồi về.
Tôi thở ra, đúng là tại em, ngay cả với quyền lợi bản thân mà cũng không quan tâm, hỏi sao không thiệt thòi? Em buồn hiu: “Lấy chồng cứ nghĩ để nương tựa trăm năm, đâu ai tính tới chuyện chia tay chia chân mà lo giấy tờ cho chính xác hả chị? Nhưng giờ em biết rồi, đàn bà mình không dựa vào ai chắc chắn bằng nương tựa vào chính bản thân mình, đúng không chị?”.
Theo Trang Đào/Báo Phụ Nữ