Chị Nguyễn Thị Hà trú tại Hoàng Mai, Hà Nội vẫn không thể nào quên được đêm mùng 2 Tết năm ngoái cả nhà phải đưa chị vào viện cấp cứu vì đau, chướng bụng. Chị Hà kể, mấy ngày tết nên ai cũng ăn nhiều. Đến nhà nào chúc Tết cũng ăn uống lu bù đến nỗi chị chẳng nhớ nổi ngày mình ăn mấy bữa. Đây không phải là lần đầu tiên mà hầu như năm nào cũng thế.
Đến mùng 2 Tết, chị thấy người mệt mỏi, ăn uống không ngon, ở miệng xuất hiện nhiều nốt nhiệt. Tình cờ, chị lên sân thượng phơi quần áo thấy ở chậu cây cảnh có rất nhiều rau má. Đây là món khoái khẩu của mẹ chồng chị. Chị nghĩ rau má rất mát mà mình đang nhiệt nên lấy rau má xuống xay cốc sinh tố.
Chỉ 3 giờ sau khi uống cốc nước rau má, chị thấy bụng đau và càng ngày càng chướng lên. Chị ra hiệu thuốc mua thuốc uống nhưng không có tác dụng. Đến 9h tối, cả nhà mất Tết vì chị phải vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết chị bị rối loạn tiêu hóa nặng.
|
Nước rau má chỉ tốt trong từng trường hợp cụ thể. |
Một năm đã qua nhưng cảm giác đau hôm đó chị Hà vẫn nhớ mãi. Chị kể, hơn 20 năm nay chị chưa bao giờ trải qua cơn đau nào như thế. Đau đẻ nó có cái khác biệt của đau đẻ còn đau bụng do rối loạn tiêu hóa chị cứ lăn lê bò trên sàn nhà vì không biết làm thế nào. Trời lạnh mà chị ướt đẫm mồ hôi.
Lương Y Hoàng Gia Trí – Phòng khám đông y số 2 Thể Giao, Hà Nội cho biết, nhiều người cứ nghĩ nóng trong người thì uống cốc nước rau má để thanh nhiệt. Đặc biệt là vào dịp Tết, nhiều người bị khó tiêu, nóng trong nên đã uống nước rau má mà không biết nước rau má có vị mát hoàn toàn không tiêu thực được còn gây thêm chứng rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt, khi uống nước rau má người ta còn cho thêm đường vào càng làm cho tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng thêm. Ngoài rau má, những ngày Tết mà uống nước chè đậu đen cũng tương tự. Lương y Hoàng Gia Trí cho biết, tốt nhất khi thấy đầy bụng khó tiêu nên sử dụng bài thuốc trị đầy bụng khó tiêu mang tính ấm như gạo rang, đậu đen rang…
Còn lương y Vũ Quốc Trung phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội cho biết theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má.
Hiện nay, các kết quả nghiên cứu cho rằng uống thuốc hay nước rau má nhiều quá có thể bị nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua; phụ nữ uống thuốc rau má lâu ngày có thể giảm khả năng mang thai... Bên cạnh đó, vì rau má có tính hàn nên nếu đang bị đầy bụng, tiêu chảy phải cẩn thận khi dùng, nên ăn kèm với vài lát gừng cho ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau.
Trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.
Theo Infonet