Theo báo cáo do nhóm chuyên gia tại khoa Tim mạch, Bệnh viện St Thomas, London nghiên cứu được công bố ngày 15/4 trên tạp chí BMJ Case Reports, một thanh niên 21 tuổi ở Anh đã đến bệnh viện kiểm tra khi thấy tình trạng khó thở ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong vòng 4 tháng gần đây, đi kèm với việc sụt cân một cách nhanh chóng. Anh ta cho biết đã uống nước tăng lực liên tục với số lượng là 4 lon (loại 500ml) mỗi ngày trong khoảng hai năm. Trong mỗi lon nước tăng lực có chứa 160 miligam caffein, cao gần gấp đôi so với một tách cà phê thông thường (chứa khoảng 90 mg caffein).
Nam thanh niên cho biết thỉnh thoảng anh hay bị khó tiêu, run rẩy tay chân và tim đập nhanh, tuy nhiên anh không để ý nhiều và không tìm phương pháp điều trị. Theo báo cáo từ các bác sĩ tại Bệnh viện St Thomas ở London, thời gian gần đây, anh ta cảm thấy không khỏe và rơi vào tình trạng hôn mê. Việc này đã khiến anh ta phải tạm dừng việc học đại học.
|
Ảnh minh họa. |
Sau một loạt các xét nghiệm, nam thanh niên được chẩn đoán mắc hai chứng bệnh có thể đe dọa tính mạng của anh ta bao gồm: suy tim và suy thận. Suy tim là tình trạng cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể; và suy thận là sự suy giảm chức năng thận khi nó không thể lọc các chất thải ra khỏi máu. Trong trường hợp của nam thanh niên này, 2 bệnh này tuy không liên quan đến nhau nhưng chúng đều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các bác sĩ đã thảo luận và cân nhắc xem có nên sử dụng phương pháp ghép nội tạng kép (tim và thận) cho anh ta hay không.
Chứng suy thận ở nam thanh niên là do tình trạng u xơ tắc nghẽn mãn tính đã lâu nhưng không được chẩn đoán và điều trị sớm. Tình trạng nước tiểu bị ứ đọng và không thể thoát qua các ống tiết niệu một cách chính xác dẫn đến nước tiểu bị trào ngược vào thận.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng xem xét một số nguyên nhân có thể gây ra chứng suy tim ở nam thanh niên này bao gồm "hội chứng trái tim tan vỡ". Tình trạng suy tim là khi buồng bơm chính của tim trở nên rộng và suy yếu kết hợp với chứng viêm cơ tim, hoặc viêm tim.
Tuy nhiên, các triệu chứng và kết quả xét nghiệm không liên quan đến tiền sử bệnh trước đó của anh ta. Do vậy, các bác sĩ kết luận rằng lời giải thích hợp lý nhất cho chứng suy tim là do việc tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực trong một thời gian dài. (Mặc dù vậy vẫn chưa có bằng chứng chính xác để chứng minh điều này một cách chắc chắn). Tuy vậy, kết quả từ các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nước tăng lực với các bệnh liên quan đến tim mạch bao gồm tăng huyết áp và thay đổi nhịp tim. Đã có một số báo cáo trên Livescience về việc những người trẻ tuổi đã bị đau tim và gặp các vấn đề về nhịp tim sau khi uống nước tăng lực.
Sau gần 2 tháng điều trị tích cực trong bệnh viện, nam thanh niên đã được xuất viện về nhà kèm theo một số loại thuốc đặc biệt điều trị tim mạch. Anh ta đã ngừng uống nước tăng lực hoàn toàn do vậy chức năng tim của anh ta đã được cải thiện một cách đáng kinh ngạc đến mức các bác sĩ cho rằng anh ấy không cần ghép tim nữa. Tuy vậy, anh ta vẫn cần phải thực hiện phẫu thuật ghép thận trong thời gian tới để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.
Báo cáo này đã bổ sung thêm bằng chứng về việc ngày càng nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch liên quan đến việc uống nước tăng lực liên tục. Qua đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo về sự nguy hiểm của việc uống những đồ uống này với mức độ cao và tần suất liên tục.
Thảo Nguyên (Theo Livescience)