Vaccine phế cầu là gì, có tác dụng thế nào?
Phế cầu khuẩn gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, điển hình như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra. Không những thế, phế cầu khuẩn còn kháng được nhiều loại kháng sinh. Do đó khi bị bệnh phải sử dụng kháng sinh mạnh, liều cao, thậm chí phải phối hợp nhiều loại kháng sinh để điều trị mới có hiệu quả. Điều này dẫn tới chi phí điều trị cao, kéo dài thời gian điều trị mà còn chưa chắc đã đáp ứng được.
Chính vì vậy để phòng các bệnh do phế cầu, trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, những người mắc các bệnh mạn tính nên tiêm vaccine phế cầu cho người lớn.
|
Khi tiêm vaccine phế cầu có thể phòng ngừa được 4 căn bệnh nguy hiểm nói trên. |
Đặc biệt trong thời gian đối phó căng thẳng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) hiện nay nhiều người dân tìm đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm phòng cúm mùa và vaccine phế cầu. Ghi nhận tại Phòng tiêm chủng trường Đại học Y Hà Nội, cho thấy lượng người đến tiêm ngừa vaccine phế cầu 13 chủng đang tăng lên, trong đó, người trưởng thành và người lớn tuổi chiếm đa số.
Theo BS Nguyễn Văn Thành - Phòng tiêm chủng và tư vấn dinh dưỡng - Viện đào tạo Y học dự phòng & Y tế cộng đồng, Đại học Y Hà Nội, trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại vaccine phòng bệnh phế cầu như Synflorix (của hãng GSK), Pneumo 23 (của hãng Sanofi Pasteur) hay Prevenar 13 (của hãng Pfizer),... Trong đó, Prevenar 13 hay còn gọi là vaccine phế cầu 13 là một loại vaccine mới để phòng bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn gây ra.
Vaccine Prevenar được nghiên cứu và phát triển bởi Pfizer (Mỹ) hiện là loại vaccine phế cầu được nhiều người dân tìm hiểu và lựa chọn để tiêm phòng, đặc biệt cho đối tượng người lớn, người cao tuổi, người có các bệnh lý nền mãn tính. Tiêm phòng phế cầu không thể phòng ngừa hoặc hạn chế mắc Covid-19, nhưng sẽ dễ dàng loại trừ yếu tố nguy cơ gây bệnh nếu có các triệu chứng bệnh tương đồng với Covid-19.
Theo các chuyên gia y tế, vaccine phế cầu Prevenar 13 là vaccine có chứa 13 chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau. Vaccine này được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn, đặc biệt là với những trẻ lớn đã quá tuổi tiêm vaccine Synflorix, người lớn, đặc biệt là những người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, những người bị suy giảm hệ miễn dịch,...
Với mỗi loại vi khuẩn, virus gây bệnh khác nhau, có thể sẽ tạo ra một loại kháng thể riêng để giúp cơ thể chống chọi với các căn bệnh khác nhau. Vi khuẩn S.Pneumoniae có rất nhiều loại khác nhau, trong vaccine phế cầu 13 có chứa huyết thanh của 13 loại phế cầu khác nhau (1,3, 4, 5, 6A, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F). Như vậy khi tiêm vaccine này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại 13 loại vi khuẩn phế cầu này.
Việt Nam sản xuất kit xét nghiệm Covid-19
Tạo kháng thể phòng bệnh
BS Nguyễn Văn Thành cho biết trước đây vaccine phế cầu chỉ được tiêm cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 tuần tuổi – 5 tuổi, vì vậy khi có vaccine phế cầu 13 chủng mới như hiện nay các bác sĩ khuyến cáo dùng vaccine này phổ biến cho người trưởng thành, người cao tuổi, người có bệnh lý nền mãn tính.
Đây không phải là vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên việc tiêm vaccine phòng cúm, hay vaccine phế cầu phòng bệnh viêm phổi trong thời điểm bùng phát Covid-19 là điều nên làm, giúp tạo kháng thể phòng bệnh tốt hơn.
Chúng ta đã biết giai đoạn đầu của bệnh Covid-19 có triệu chứng khá giống với bệnh cúm, vì vậy, nếu người bệnh đã được tiêm phòng cúm thì có thể loại trừ nguyên nhân đó, giúp bác sĩ tập trung điều trị các nguy cơ bệnh khác.
Ngoài ra, trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay đa số các ca bệnh Covid-19 nặng dẫn đến tử vong trên thế giới chủ yếu do những biến chứng viêm phổi nặng, việc tiêm phòng vaccine phế cầu và tạo kháng thể phòng bệnh sẽ giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với nguy cơ viêm phổi, đồng thời cũng giúp bác sĩ phân loại các yếu tố nguy cơ đối với người bệnh để tập trung cho phác đồ điều trị phù hợp.
An Lê