Chỉ cần sắm một chiếc xe đẩy và vài bộ bàn ghế nhựa là đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố. Thực phẩm chuẩn bị sẵn, chỉ cần khách gọi chưa đến 5-10 phút là có món để ăn. Sự tiện lợi và nhanh chóng cũng như sự khác lạ trong nấu nướng hàng ngày khiến người ta cứ ưa chuộng ăn hàng quán vỉa hè mãi.
|
Những thau, xô nước bẩn nằm ngổn ngang. Ảnh:Nguyên Hà. |
Nhưng liệu với không gian như thế có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không khi dầu bị chiên nhiều lần; thịt nướng ngay tại vỉa hè khói bụi; dụng cụ chứa thức ăn thì không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy, hay che đậy sơ sài, người bán hàng dùng tay trần để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn thản nhiên cầm tiền rồi bốc thực phẩm... Và thật thiếu sót khi không kể đến những cái tô, chiếc đũa được rửa ngay tại nơi bán với lượng nước ít ỏi... và rửa bằng những thứ dầu rửa chén không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thành phần của nó.
Sau mỗi đĩa thức ăn được bày biện hấp dẫn, những tô bún, tô hủ tiếu, bánh canh... thơm lừng và ngon mắt ấy thì đằng sau lại là một câu chuyện dài để kể.
Chỉ cần vào tầm 10 g sáng hoặc cuối giờ chiều đi dọc các tuyến phố hoặc trong khu chợ, không quá khó để bắt gặp cảnh chén bát thau chậu nằm ngổn ngang sau lưng hoặc bên cạnh quán ăn đường phố. Những chiếc xô đựng nước cáu bẩn, không hề có nắp đậy ở thùng nước sạch, nằm cạnh đống chén bát để ngổn ngang. Có một thực tế, những hàng quán vỉa hè do không có nguồn cấp nước riêng, phải xin nhờ ở các nhà dân xung quanh hoặc mang theo nên thường dùng nước tiết kiệm và hạn chế thay nước mới. Cứ ba bốn thùng như thế dùng để rửa hàng trăm chiếc bát đũa của một ngày.
|
Nước rửa chén không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Nguyên Hà. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những giờ cao điểm, chén bát được rửa vội vàng, rồi dùng một chiếc giẻ lau khô và dùng cho khách tiếp theo, không hề tráng lại nước sôi hoặc phơi khô sạch sẽ. Những giai đoạn rửa được rút ngắn lại tới mức đơn giản nhất để tiết kiệm thời gian, công sức và... nước.
Điều đáng nói ở đây, không chỉ nước bẩn và khâu vệ sinh không đảm bảo, đa phần các quán ăn vỉa hè đều sử dụng nước rửa chén không đảm bảo nguồn gốc. Những chai nước rửa chén này được đựng vào chai nước 5 lít hoặc các can nhựa lớn, thậm chí là được san vào các vỏ chai có thương liệu nổi tiếng như một cách che mắt người dùng. Nguyên liệu tìm mua để chế tạo nước rửa chén lại không khó khi chợ Kim Biên vẫn bán đầy rẫy và bán một cách công khai. Theo một vài nguồn tin trên mạng Internet thì cách chế biến những chai nước rửa chén này như sau: Đổ chất lỏng Las (chất tạo độ cô đặc - PV) vào chậu nước, cho chất sút (NAOH) vào quấy rồi cho tiếp Natri Sun-phát. Tiếp đến là cho thêm chất tẩy Triply. Công đoạn quan trọng là cho thêm Amol Clorua và màu công nghiệp. Kết quả thu được là một hỗn hợp sền sệt mà người ta gọi chung là nước rửa chén.
|
Rửa chén dĩa tại các quán vỉa hè không đảm bảo an toàn vệ sinh. Ảnh: Nguyên Hà. |
Và mỗi chai nước rửa chén như thế chỉ với giá 4.000-5.000 đồng/lít thì quả là sự lựa chọn hàng đầu của hàng quán vỉa hè, di động.
ThS Hoàng Trọng Phú (giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) từng chia sẻ trong bài Hiểm họa từ nước rửa chén không nhãn mác cho biết chất sút (NAOH) có tính kiềm cực mạnh, nếu trong quá trình sản xuất không trung hòa hết kiềm sẽ gây ra lượng dư chất làm bào mòn da tay và có thể gây kích ứng da như mẩn ngứa. Chưa kể đến việc nếu như bị các hóa chất này đi vào cơ thể qua đường ăn uống với một mức độ đều đặn sẽ gây hại đến đường tiêu hóa.\Chú Hải Tuấn (thợ may quận 3) chia sẻ: “Thú thực tôi cũng không quan tâm lắm đến giai đoạn rửa chén bát như thế nào, bình thường ăn ở ngoài vì vội hoặc không có thời gian, cũng chỉ để ý đồ ăn có ngon không, nhìn có sạch không thôi”.
Người ăn thì thờ ơ, người bán vì lợi nhuận mà lờ đi những điều ảnh hưởng tới sức khỏe và vệ sinh thực phẩm. Có lẽ đằng sau mỗi lần kiểm tra vệ sinh thực phẩm, người ta còn ít quan tâm tới những câu chuyện đằng sau mỗi thức ăn được bày lên trước mặt.
Theo Nguyên Hà. Pháp luật TP HCM